MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao 5 triệu hộ kinh doanh "không chịu lớn"

Hiện nay, cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh. Điều đáng nói là, hầu như các hộ kinh doanh này đều muốn giữ nguyên quy mô, không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỉ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.

Ý kiến của nhiều địa phương cho biết, hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Cụ thể, tính từ năm 2016 đến tháng 6.2019, tỉnh Bến Tre có trên 1.500 lượt hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp nhưng chỉ có 265 hộ thực hiện việc chuyển đổi này. Năm 2019, Cục Thuế tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu sẽ vận động 147 hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 30 hộ chuyển đổi.

Nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên doanh nghiệp nhằm "né" nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.

Sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn. Đơn cử như các loại giấy phép về môi trường. Rồi các cuộc thanh tra, kiểm tra; thủ tục kê khai, quyết toán thuế; thuê mướn thêm kế toán… sẽ làm gia tăng chi phí gián tiếp”- Bà Nguyễn Thùy Dung (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin, chấp nhận “nằm im” để kinh doanh an toàn.

Theo đánh giá của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, TP.Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn, bằng các chính sách hỗ trợ về thủ tục pháp lý, giải quyết hành chính, tổ chức đào tạo, hỗ trợ tài chính… Tuy nhiên, số lượng hộ kinh doanh chuyển đổi chưa nhiều. Do đó, cần sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền địa phương và các sở, ngành.

Trong đó, TP.Hà Nội nên dành quỹ đất cho các hộ kinh doanh cá thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi thành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. Hiện nay, các chính sách ưu đãi , hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Về khung pháp lý, cần phải củng cố phần này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán, đảm bảo các điều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật về thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động...

.

Theo L.V

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên