MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bà Hillary Clinton lại để thua ở những bang "sân nhà"?

13-11-2016 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Hô​m 8/11 vừa qua, ông Donald Trump đã bất ngờ giành chiến thắng tại các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania - ba bang chiến địa vùng Hồ Lớn được xem như "sân nhà" của bà Hillary Clinton.

Theo trang MSN, ông Trump đã làm được điều này nhờ lượng phiếu bầu khổng lồ từ những người sống ở vùng nông thôn và công nhân lao động da trắng ở đây.​

Chiến thắng của ông Trump cũng bắt nguồn từ sự lơ là của bà Clinton với ba bang này và thất bại của bà trong việc huy động toàn bộ cơ sở cử tri của đảng mình, bao gồm người trẻ tuổi và người Mỹ gốc Phi.​

"Donald Trump đã mang đến một cách mới để chiến thắng (tại các bang này), nhưng một phần của chiến thắng đó là nhờ thất bại to lớn của bà ấy," Gene Ulm, người phụ trách thăm dò ý kiến cử tri của đảng Cộng hòa cho biết. "Bà ấy đã không khai thác và củng cố được liên minh của ông Obama."​

Ở Wisconsin, bà Clinton chỉ chiếm được 4% số phiếu của cử tri dưới 30 tuổi. Khi ông Obama tranh cử, ông đã giành được 23% phiếu bầu của người trẻ ở đây. Đây là lần đầu tiên bang Wisconsin bầu cho một ứng viên đảng Cộng hòa từ năm 1984.​

"Số phiếu bầu của cử tri trẻ đã giảm đi đáng kể cho bà Clinton," Tom Holbrook, nhà khoa học chính trị của Đại học Wisconsin-Milwaukee cho biết.​

Lượng phiếu bầu cho bà Clinton ở thành phố Milwaukee ít hơn so với lượng phiếu bầu ông Obama là 27.000 phiếu. Con số đó cũng gần bằng lượng phiếu mà bà đã không có được để chiến thắng tại đây.​

Mặc dù bà Clinton không đổ nhiều công sức cho Wisconsin, nhưng trong chiến dịch tranh cử, bà cùng những người đại diện đã nhiều lần đến Michigan trong những tuần cuối cùng.​

Tuy vậy, ở Detroit, bà vẫn nhận được số phiếu bầu ít hơn 50.000 phiếu so với ông Obama năm 2012.​

"Rõ ràng đã có một sự sơ suất khi chiến dịch của bà ấy không tính đến Cử tri đoàn và dồn quá nhiều tâm sức vào những bang như Michigan và Wisconsin," người thăm dò ý kiến của đảng Dân chủ Paul Maslin cho biết. Cả ông Obama lẫn Đệ nhất Phu nhân đều không đến Wisconsin.​

Kết quả bỏ phiếu tại Wisconsin, Michigan và Pennsylvania đều được quyết định chỉ bằng khoảng 1% chênh lệch.​

Tại Wisconsin, ông Trump có số lượng phiếu bầu gần như bằng với ông Romney khi thua tại bang này hồi năm 2012 là 1,4 triệu phiếu. Điều mấu chốt ở đây là bà Clinton có số phiếu ít hơn gần một phần tư triệu so với số phiếu ông Obama đã giành được, mở đường cho ông Trump dành chiến thắng trong cuộc đua.​

Ở Michigan, ông Trump đã giành được nhiều phiếu cử tri hơn so với ông Romney tại hạt Macomb tập trung nhiều cử tri là tầng lớp công nhân, được coi là nhà của những người Dân chủ Reagan. Ông cũng đã vượt mặt bà Clinton ở các khu vực khác trong bang nhờ lời hứa bảo vệ biên giới nước Mỹ và đưa Michigan trở lại với những ngày tháng huy hoàng của ngành sản xuất tại đây. Lượng phiếu bầu cho bà Clinton tại hạt Wayne, nơi có thành phố Detroit thấp hơn so với ông Obama là 6%. Đây cũng là lần bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa đầu tiên của Michigan từ năm 1988.​

Tại Pennsylvania, các cuộc thăm dò cho thấy lượng phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi chiếm 13% toàn bộ khu bầu cử trong năm 2012, nhưng chỉ đạt 10% trong năm 2016. Một lần nữa, bà Clinton đã không có được số phiếu cần thiết để kìm chân ông Trump.​

Maslin cho biết những người da trắng thuộc tầng lớp công nhân và trung lưu ở các bang miền bắc luôn ở thế "dao động" trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, khi thì bỏ phiếu cho đảng này, lúc lại bỏ phiếu cho đảng kia.​

"Cánh cửa đã mở, và Donald Trump cứ thế bước qua," người phụ trách thăm dò ý kiến của đảng Dân chủ nhận định và cho rằng đảng Dân chủ đã thất bại trong việc kết nối với những quan ngại về kinh tế của các cử tri này.

Ôm Trump đã thắng ở cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. (Nguồn: AP)
Ôm Trump đã thắng ở cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. (Nguồn: AP)

“Không phải chính trị gia”​

Tại Michigan, một phần lý do số cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và người Mỹ gốc Phi chiếm số đông ở Detroit đi bầu cử giảm xuống là do biến động dân số. Những vấn đề về tài chính ở Detroit - thành phố này đã trải qua đợt vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ cách đây vài năm - đã khiến nhiều người sống ở đây phải chuyển đi nơi khác trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo ước tính của cơ quan dân số, đầu những năm 2000, có khoảng 925.000 người sống ở Detroit, nhưng tới nay con số này chỉ còn là khoảng 680.000 người.​

Tuy nhiên một số cư dân ở đây cho biết họ thấy thờ ơ, thậm chí không hứng thú với chiến dịch của bà Clinton.​

"Từ những gì tôi thấy, rất nhiều người Mỹ gốc Phi không đi bầu cử," Wilfred Blackmon, chủ dịch một cộng đồng dân cư gồm 3.000 gia đình công nhân ở khu đông bắc Detroit cho biết.

Blackmon, một người ủng hộ bà Clinton cho biết ông đã đi bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử từ khi 18 tuổi. Tuy nhiên vài tuần trước, Blackmon đã nghe thấy lãnh tụ của phong trào Quốc gia Hồi giáo là Louis Farrakhan phát biểu trên radio.​

Farrakhan nói rằng ông "không thấy ấn tượng với bà Hillary. Ông ấy nói về những ngày ông Bill Clinton còn nắm quyền và rất nhiều người da đen bị tống giam. Rất nhiều người đã lắng nghe ông ấy," Blackmon cho biết.

Jocelyn Harris, một đại biểu của phân khu đảng Dân chủ ở phía đông Detroit cho biết cô và gia đình đã đi bỏ phiếu cho bà Clinton.​

Tuy nhiên Harris cho biết cô và những người khác trong khu vực có 2,600 hộ gia đình là quận Jefferson-Chalmers đã phải trải qua hai đợt nước bị nhiễm bẩn trong mùa hè qua. Do phải đối mặt với những vấn đề của cả cá nhân và cộng đồng, Harris và những người khác đã không thể đi đến từng nhà vận động bỏ phiếu như họ đã từng làm 4 năm về trước.​

"Lần này, chúng tôi đã không thực sự dốc hết sức," Harris chia sẻ.​

Nhiều người đã phản đối tư tưởng rằng Detroit - và nhất là người Mỹ gốc Phi - theo cách nào đó đã khiến bà Clinton bị thua.​

"Cử tri da màu đã làm điều họ luôn làm. Họ đi bỏ phiếu cho đảng Dân chủ", Jonathan Kinloch, chủ tịch hạt bầu cử thứ 13 của đảng Dân chủ, bao gồm phía tây và tây nam Detroit cùng 10 vùng ngoại ô đông công nhân cho biết.​

Kinloch nói rằng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ khác, rằng "chiến dịch của bà Clinton phải hướng tới cả người Mỹ da trắng", và "phản ứng với tổng thống da màu đầu tiên" của cử tri da trắng.​

Jon Zurinsky, một cử tri 34 tuổi đến từ hạt Macomb cho biết anh bầu cho ông Trump "vì ông ấy không phải bà Hillary. Tôi không thích bà ấy."

Zurinsky, người đã bầu cho ông Obama trong kỳ bầu cử trước cho biết bà Hillary Clinton đã "mang hết mọi thứ ra nước ngoài" và "hy vọng là ông Trump sẽ tìm được cách để mang mọi thứ trở lại," nhất là việc làm.​

"Ông ấy không phải là một chính trị gia," Zurinsky nói về ông Trump.

Cơn giận dữ ở miền quê

Ông Trump đã giành được sự ủng hộ của những người da trắng "không đi học đại học" ở Wisconsin với tỷ lệ 28% - trong khi ông Romney chỉ đạt được tỷ lệ 8% ở đây hồi năm 2012. Ông đã giành được sự ủng hộ của cử tri nông thôn ở một bang luôn được coi là có sự dao động rất lớn.

"Ôi chà," nhà khoa học chính trị Kathy Cramer, người nghiên cứu các cộng đồng nông thôn đã thốt lên như thế khi con số này được công bố. Không ứng viên đảng Cộng hòa nào từng giành được quá 10% phiếu bầu ở khu vực nông thôn của bang Wisconsin trong những thập niên gần đây. Ngay cả ông Obama cũng chỉ giành được 8% cử tri nông thôn ở đây trong năm 2008.​

Thế nhưng ông Trump đã có được sự ủng hộ của 59 trên 72 hạt của bang, bao gồm một số hạt ở miền tây chưa hề bầu cho ứng viên đảng Cộng hòa nào làm tổng thống từ những năm 1970-1980.​

"Trump là một ứng viên cuốn hút với những người cảm thấy rằng vùng nông thôn Wisconsin luôn bị thiệt thòi, rằng người thành phố không tôn trọng họ, không có ai lắng nghe họ hay biết chuyện gì đang diễn ra ở đây", Cramer, một giáo sư thuộc đại học Wisconsin-Madison và tác giả một cuốn sách về chính trị và nông thôn Wisconsin nhận định.​

Tuy nhiên, ông Trump đã không làm tốt bằng ông Romney tại các vùng giàu có và bảo thủ ở Milwaukee, nơi theo truyền thống được coi là trái tim của quyền lực đảng Cộng hòa ở Wisconsin.​

Mặc dù vậy, ông đã làm rất tốt ở miền bắc và miền tây Wisconsin, cũng như ở vùng chiến địa Green Bay.​

Những người ủng hộ ông Trump bi quan hơn người ủng hộ bà Clinton rất nhiều về tương lai cũng như không có nhiều kỳ vọng với nền kinh tế. Trong khi chỉ có 23% cử tri bầu bà Clinton ở Wisconsin nói răng cuộc sống của thế hệ sau sẽ kém đi, có tới 59% cử tri bầu ông Trump suy nghĩ tương tự.​

"Tất cả chỉ hướng đến sự thay đổi hiện trạng mà thôi", Jerry Bader, người dẫn một chương trình phát thanh ở Green Bay cũng là một nhà phê bình ông Trump cho biết.​

Thăm dò cử tri tại điểm bỏ phiếu ở Wisconsin cho thấy 63% cử tri có quan điểm tiêu cực về ông Trump, nhưng 21% trong số đó vẫn bầu cho ông dù không thích ông. Đó là một bằng chứng cho hai điều: khát vọng thay đổi và sự chán ghét của họ với bà Clinton.

Có thể hiểu lựa chọn này là "Chúng tôi biết tính khí thất thường của ông ta. Chúng tôi biết hết. Nhưng chẳng có gì quan trọng. Ông ta khác biệt," Bader cho hay.

Theo Đỗ Huy

Vietnam+

Trở lên trên