MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bạn thường háo hức đặt mục tiêu lớn nhưng rồi không thực hiện được?

08-03-2021 - 07:10 AM | Sống

Vì sao bạn thường háo hức đặt mục tiêu lớn nhưng rồi không thực hiện được?

Đôi khi, những mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời chúng ta lại quá lớn lao. Chúng ta hiếm khi nhìn nhận những mục tiêu đó thành một chuỗi những nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý.

Nhà văn Mark Twain từng nói: "Bí quyết để thành công là bắt tay vào hành động. Bí quyết để bắt tay vào hành động là chia những nhiệm vụ lớn lao, phức tạp của bạn ra thành những việc nhỏ, dễ quản lý và sau đó bắt tay thực hiện công việc đầu tiên."

Đôi khi, những mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời chúng ta lại quá lớn lao. Chúng ta hiếm khi nhìn nhận những mục tiêu đó thành một chuỗi những nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý. Song trên thực tế, chia một mục tiêu lớn ra thành những nhiệm vụ nhỏ hơn và thực hiện từng nhiệm vụ chính là cách để đạt được bất kì mục tiêu lớn nào. Do vậy, sau khi bạn đã quyết định mình thực sự mong muốn điều gì và thiết lập những mục tiêu đo lường được trong khoảng thời gian xác định, bước tiếp theo chính là xác định tất cả các bước riêng rẽ cần thực hiện để đạt được mục tiêu.

Phương pháp chia nhỏ vấn đề

Bạn có thể sử dụng một vài phương pháp để xác định các bước hành động cần thực hiện để đạt tới một mục tiêu. Phương pháp thứ nhất là tìm tới những người đã đạt được những điều bạn mong muốn và hỏi xem họ đã thực hiện những bước đi nào. Dựa trên kinh nghiệm của mình, họ có thể chỉ bảo cho bạn tất cả những bước đi cần thiết cũng như những lời khuyên về sai lầm cần tránh.

Cách thứ hai là mua một cuốn sách hướng dẫn. Một phương pháp nữa là bắt đầu từ điểm kết thúc và nhìn nhận lại quá trình. Đơn giản, bạn chỉ cần nhắm mắt lại và tưởng tượng bây giờ chính là thời điểm trong tương lai, khi bạn đã thực hiện được mục tiêu. Sau đó, bạn chỉ cần nhìn lại và xét xem bạn đã phải làm những gì để đạt tới vị trí hiện tại. Việc cuối cùng bạn làm là gì? Và việc gần đó nhất thì sao… Cứ như thế cho tới khi bạn hiểu ra nhiệm vụ đầu tiên bạn thực hiện.

Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải biết cách thực hiện. Bạn có thể hỏi xin chỉ dẫn và lời khuyên từ những người đi trước. Đôi khi, người ta cho không bạn nhưng cũng có khi bạn phải trả tiền cho những lời khuyên đó. Hãy học lấy thói quen đặt câu hỏi: "Bạn có thể chỉ cho tôi phương pháp thực hiện…?"; "Tôi sẽ phải làm gì để…?" và "Bạn đã làm cách nào để…?" Hãy tiếp tục nghiên cứu và hỏi han cho tới khi bạn xây dựng được một kế hoạch hành động thiết thực có thể đưa bạn từ xuất phát điểm hiện tại tới vạch đích mục tiêu.

Bạn cần phải làm gì? Bạn cần bao nhiêu tiền? Bạn cần học hỏi những kỹ năng gì mới? Bạn cần huy động những nguồn lực nào? Bạn cần hỏi xin trợ giúp từ những ai? Bạn cần hình thành những thói quen hay kỉ luật nào?

Một phương pháp hữu hiệu để xây dựng kế hoạch hành động cho những mục tiêu của bạn có tên là sơ đồ tư duy.

Sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy


Vì sao bạn thường háo hức đặt mục tiêu lớn nhưng rồi không thực hiện được?  - Ảnh 1.

Sơ đồ tư duy là một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong việc xây dựng một danh sách chi tiết những công việc cần thực hiện để đạt tới mục tiêu của bạn. Phương pháp này giúp bạn xác định những thông tin cần thu thập, những người cần trò chuyện, những bước đi nhỏ cần thực hiện, số lượng tiền cần có, thời gian cần hoàn thành… đối với từng mục tiêu đề ra.

Để vẽ sơ đồ tư duy cho những mục tiêu của mình, bạn cần thực hiện theo những bước sau:

Vòng tròn trung tâm: Trong vòng tròn trung tâm, ghi lại mục tiêu bạn đề ra - trong trường hợp của tôi, đó là Xây dựng Chương trình Đào tạo bằng âm thanh.

Những vòng tròn bên ngoài: Tiếp theo, chia mục tiêu thành những phân mục nhiệm vụ chính cần thực hiện - trong trường hợp này, đó là Tựa đề, Trường quay, Chủ đề, Khán giả...

Đường kẻ: Bước tiếp theo, hãy vẽ những đường kẻ xuất phát từ từng vòng tròn nhỏ và đặt tên cho từng đường (ví dụ: Soạn thảo nội dung, Tạo màu cho Trang bìa và Sắp xếp ăn trưa). Trên một đường kẻ riêng biệt nối với từng đường tròn nhỏ, hãy viết từng bước bạn cần thực hiện. Chia nhỏ mỗi bước  ra thành những hành động nhỏ. Nhờ đó, bạn có thể xây dựng được danh sách những công việc cần thực hiện.

Theo Thảo Nguyên

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên