Vì sao Banker trẻ thích nhảy việc?
Đa số các bạn trẻ nhiều khát vọng và có mong muốn cống hiến – họ không chỉ đơn thuần là tìm một việc làm mà mong muốn xây dựng sự nghiệp riêng...
- 28-05-2019Banker và những cám dỗ nguy hiểm
- 09-04-2019"Bí kíp" giúp banker bán hàng giỏi: Hãy học đối thủ
- 04-03-2019Nghịch lý Banker: Cuối năm thưởng ít thì buồn, nhưng bán hàng cứ thích huy động cao – cho vay thấp
-
Đối với sales ngân hàng – trạng thái ‘bình thường mới’ đồng nghĩa với nhiều thay đổi mới so với bình thường. Tác nghiệp theo kiểu truyền thống có thể không còn phù hợp
-
Những đơn vị nào mà tập thể khí thế, nhân viên nhiệt tình, hiệu quả cao và động lực làm việc hào hứng... thường là do trưởng đơn vị làm tốt thường xuyên 5 trách nhiệm quản lý là: khơi gợi động lực cá nhân, khuyến khích, làm gương, kèm cặp và truyền cảm hứng.
Mấy năm qua - do yêu cầu công tác, người viết có dịp đến làm việc với nhiều chi nhánh/phòng giao dịch các ngân hàng khác nhau khắp cả nước. Khi chia sẻ về khó khăn và thách thức trong hoạt động kinh doanh thì vấn đề nổi cộm nhất thường được Cán bộ quản lý đề cập là: nhân sự thiếu và yếu - đặc biệt là nhân sự bán hàng.
Một sự trùng hợp là cho dù địa bàn miền Nam hay Bắc, dưới miền Tây hay ngoài miền Trung – hiện nay tại các đơn vị, việc tuyển dụng nhân sự bán hàng đáp ứng yêu cầu công việc đã khó mà việc giữ người càng khó hơn nữa. Tỉ lệ nghỉ việc và nhảy việc của nhóm banker trẻ (dưới 2 năm kinh nghiệm) thường chiếm đa số.
Nhận xét về vấn đề này, đa số Cán bộ quản lý đều có ý kiến giống nhau – đó là: lớp trẻ bây giờ thiếu gắn bó, ngại khó, không sẵn sàng chịu áp lực. Số khác thì rất dễ nản, chóng buông và thiếu cam kết trong công việc...
Có thật vậy không?
Tại sao những bạn trẻ đã chọn khối A để thi, rồi miệt mài theo đuổi việc học bốn năm trời và trong chừng ấy thời gian lúc nào cũng đăm đăm ước mơ trở thành một banker chuyên nghiệp lại có thể dễ dàng buông bỏ sau vài tháng nhận việc?
Để tìm câu trả lời, người viết bài này đã thực hiện một số khảo sát và thấy rằng: thực tế, nhận xét của các anh chị Cán bộ quản lý ở trên chỉ đúng một phần – phần lớn còn lại, banker trẻ nhảy việc còn do môi trường và điều kiện làm việc!
Đúng vậy. Có ba lý do chính sau đây.
Thứ nhất, thật quá khó để một người trẻ mang bao khát vọng nghề nghiệp có thể yên tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc là một phòng giao dịch mà cơ sở vật chất đã xuống cấp thấy rõ, chỗ ngồi ọp ẹp và ngột ngạt... Thậm chí, có phòng làm việc là bức tường loang lổ và luôn thấm dột sau những cơn mưa trái mùa.
Sự thật chẳng phải kiếm gặp, ở các ngân hàng cũng có những chi nhánh đặt tại những tòa nhà hoành tráng nhất nhì thành phố với mặt bằng kinh doanh rộng rãi – còn nhiều địa điểm kinh doanh là những mặt bằng đã không được nâng cấp, sửa chữa sau nhiều năm nên tình trạng lúc nào trông cũng tạm bợ. Các anh chị quản lý ngồi đó lâu rồi nên quen – còn muốn các bạn trẻ vui vẻ chấp nhận điều này thì thật khó thuyết phục.
Thứ hai, chẳng dễ dàng gì để các banker giữ được sự hào hứng và nhiệt tình công việc trong một tập thể có quy mô nhân sự thưa thớt và quá nhỏ. Nhiều phòng giao dịch vỏn vẹn chưa đến 10 nhân sự tính luôn bảo vệ và tập sự - riêng bộ phận kinh doanh thường định biên chỉ 2-3 mà không phải lúc nào cũng được tuyển đủ. Cho nên bao trùm là cảm giác trống trải, vắng vẻ và hoàn toàn chẳng mấy sinh khí. Từ sáng đến chiều vài cái bóng lặng lẽ, cả không gian trầm lắng như một giáo đường.
Dĩ nhiên là không thể trách phòng giao dịch, vì thường quy mô nhỏ thì ít nhân sự do không được phân bổ định biên – ai cũng biết đây là chính sách hội sở. Nhưng vấn đề là khi các bạn banker trẻ phải làm việc trong tập thể có sĩ số khiêm tốn như vậy, tinh thần làm việc lại không được duy trì tốt, anh chị banker đồng nghiệp vì nhiều lý do trở nên thiếu thân thiện và không nhiệt tình hỗ trợ - thì ngay cả những vướng mắc nhỏ trong thời gian hòa nhập ban đầu cũng sẽ khiến banker trẻ nản lòng.
Thứ ba, điều tệ nhất là chẳng may gặp phải một Cán bộ quản lý mất lửa – để rồi hàng ngày, banker trẻ sẽ chứng kiến nhiều những lời than thở và phàn nàn mà chẳng có hỗ trợ cần thiết giúp tự tin hơn trong bán hàng.
Những sản phẩm như tín dụng chẳng hạn rất cần phải xác định đúng khách hàng mục tiêu và phương pháp tiếp thị phù hợp, cộng với một số kỹ năng tối thiểu thì may ra mới có khả năng thành công. Nhưng nếu Giám đốc đơn vị không định hướng, thiếu kèm cặp và để cho nhân viên tự xoay xở thì các bạn sao mang về số liệu được – mà chỉ cần loay hoay 2-3 tháng như vậy thì chẳng bạn nào còn đủ động lực để tiếp tục.
Ngoài ra, một lý do khác cũng ít nhiều tác động đó là vấn đề chưa nhận thức đầy đủ về công việc. Nếu để ý chúng ta thấy – trong quá trình truyền thông và tuyển dụng, Khối Nhân sự các ngân hàng thường nói với các bạn trẻ nhiều về tiềm năng thu nhập tốt, cơ hội thăng tiến hấp dẫn và môi trường làm việc chuyên nghiệp... nhưng thực sự có thể không chỉ có bấy nhiêu. Các bạn trẻ rất cần được hiểu rõ về tổ chức, nơi làm việc, các thuận lợi-khó khăn và cả những thách thức để chuẩn bị tinh thần tốt hơn.
Cũng nên nhớ rằng, đa số các bạn trẻ nhiều khát vọng và có mong muốn cống hiến – họ không chỉ đơn thuần là tìm một việc làm mà mong muốn xây dựng sự nghiệp riêng. Bởi vậy, chi nhánh và phòng giao dịch các ngân hàng rất nên chuẩn bị tốt hơn để chào đón và tạo điều kiện giúp các bạn học hỏi, tích luỹ và tích cực đóng góp.
Cũng giống như gieo hạt trồng cây – nếu môi trường thổ nhưỡng không tốt, khí hậu không phù hợp và ngay cả người gieo trồng cũng thiếu quan tâm chăm sóc thì sao hy vọng thấy cây đâm hoa kết quả. Trường hợp này, nếu đa số hạt không nảy mầm hoặc cây non có chết yểu thì cũng là điều dễ hiểu, đúng không?
Nếu chưa nhìn nhận hết nguyên nhân mà chỉ thấy một phía thì oan cho các bạn trẻ quá!