MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Bộ GTVT chọn ACV là phương án tối ưu cho đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng ga hành khách T3 với công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000m2 đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng. Dự kiến, tổng kinh phí hơn 11.430 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Dù là dự án nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp tư nhân nhưng đối với phía Bộ GTVT, ACV mới là phương án tối ưu. 

Tại một cuộc toạ đàm gần đây, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT giải thích rằng ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước. "Vừa qua, mới có thêm một nhà khai thác nữa là Vân Đồn", ông nói và khẳng định ACV là nhà khai thác cảng có kinh nghiệm nhất cũng như có đủ nguồn lực để đầu tư.

Trong 21 cảng hàng không mà đơn vị này quản lý, ông Thọ cho biết không phải cảng nào cũng có lãi. Có những cảng không hiệu quả, nhưng về mặt chính trị, vẫn phải đảm bảo duy trì và phát triển như: Điện Biên, Cà Mau, Nà Sản… ACV vẫn đang phải gánh những cảng này, cân đối giữa các cảng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo việc đi lại của người dân…

"Vấn đề là ACV có đủ nguồn lực đầu tư đồng bộ cả 21 cảng hàng không, sân bay này được không? Long Thành, Đà Nẵng, Chu Lai, Đồng Hới, Cát Bi, Phú Bài… đều muốn đầu tư, ACV có cáng đáng được hết không? Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu cụ thể", ông nói. Theo đó, đặt ngược trở lại vấn đề, ông Thứ trưởng Bộ GTVT nói rằng nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn vào hàng không nhưng nếu giao cho họ những nơi khó khăn, họ có muốn làm không?

Mặt khác, về vấn đề thời gian, ông Thọ cho biết khi lựa chọn phương án đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, có nhà đầu tư chỉ cần làm 1 - 2 năm là xong nhưng thực tế, nếu chỉ riêng công tác xây lắp một nhà ga công suất 20 triệu hành khách, điều đó là không thể. Mặt khác, ông đề cập đến công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án tiền khả thi, khả thi).

"Nếu là công trình loại A, phải thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Đấy là chưa nói đến công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu thiết kế. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn đầu tư và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư. Đối chiếu quy định hiện hành, không thể làm trong 1 - 2 năm", ông khẳng định.

Theo đó, Bộ GTVT cũng đã lên nhiều phương án tối ưu nhất. "Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Từ đây, chúng tôi quyết định giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV", ông nói và cho biết khi ACV còn trực thuộc Bộ GTVT, Bộ đã giao ACV nghiên cứu thực hiện Pre-FS (tiền khả thi). Đây là dự án thuộc nhóm A, phải trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư.

Hà Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên