Vì sao các huyện ngoại thành TPHCM muốn lên thành phố hơn quận?
Để lên quận cần nhiều tiêu chí và ít dư địa phát triển hơn nên các huyện ngoại thành của TPHCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên thành phố trước 2030.
Cả 5 huyện đều muốn lên quận
Hiện nay, các huyện ngoại thành TPHCM đều đã nghiên cứu hoặc công bố định hướng nghiên cứu phát triển lên thành phố từ nay đến năm 2030. Theo đó, các huyện ngoại thành đang có những xã rất phát triển với mức độ đô thị hóa cao, dân số lớn, các chỉ tiêu kinh tế xã hội chuyển hướng mạnh tương đương phường. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều xã là xã nông thôn, cần nhiều thời gian hơn để phát triển tương đương phường. Vì vậy, mô hình lên thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu quản lý, phát triển địa phương.
Theo quy định tại nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì 5 huyện ngoại thành muốn lên quận, hay thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (TPHCM) phải đáp ứng 5 tiêu chí.
Huyện Nhà Bè là địa phương mới nhất muốn lên thành phố, thay vì lên huyện.
Trong đó, để lên quận, các huyện phải đáp ứng tiêu chí 100% đơn vị hành chính là phường (phải có từ 12 phường trở lên) bên cạnh các tiêu chí khác. Còn để lên thành phố, huyện phải có 65% đơn vị hành chính là phường (trong tổng số từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở lên).
So với các tiêu chí đó, lãnh đạo huyện Bình Chánh nhận định, việc phát triển huyện thành quận thì không đủ điều kiện bởi yêu cầu 100% đơn vị hành chính cấp xã của quận phải đủ điều kiện thành phường. Trong khi đó, điều kiện trở thành thành phố dễ dàng hơn vì nhiều xã của Bình Chánh chưa đủ điều kiện để thành phường.
Bí thư huyện uỷ Bình Chánh Trần Văn Nam cho rằng địa phương có diện tích lớn thứ ba TPHCM nhưng tốc độ đô thị hóa không đều, có xã phát triển nhà cửa rất nhanh nhưng một số xã vẫn thuần nông. Do đó, huyện định hướng lên thành phố bởi mô hình này vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính phải là phường.
Trong khi đó, với diện tích đất nông nghiệp rất lớn, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết khi chuyển lên thành phố, địa phương sẽ huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Phó bí thư huyện Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn lý giải việc điều chỉnh định hướng từ lên quận sang thành phố vì địa phương còn nhiều vùng nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Việc lên thành phố cũng có các tiêu chí dễ đáp ứng hơn so với lên quận.
Đồng thời, địa phương đang đô thị hóa nhanh, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Mặt khác, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và hạ tầng, giao thông, văn hóa giáo dục của huyện gần như tương đồng các quận lân cận như 12, Gò Vấp và Bình Tân. Địa phương này cho rằng việc lên thành phố phù hợp xu thế phát triển đô thị chung của TPHCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, Huyện ủy Nhà Bè cũng đang bàn bạc theo hướng đưa Nhà Bè thành thành phố vệ tinh, đô thị thông minh. "Lên thành phố hay quận không phải cứ theo cảm tính chủ quan được, phải có cơ sở khoa học. Thường vụ đang bàn với các chuyên gia về mô hình của huyện, phải nghiên cứu bài bản mới có thể đề xuất UBND TPHCM. Không phải mình đề xuất lên quận hay thành phố vì chỉ tiêu này dễ đạt, chỉ tiêu kia khó đạt. Mục đích chung vẫn là thực hiện mục tiêu đô thị hóa, nâng cao đời sống người dân", ông Phước nói.
Tương tự, huyện Cần Giờ cũng định hướng phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Nhu cầu cấp thiết
PGS.TS Vũ Tấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kiêm Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM ngày càng trở nên cấp thiết.
Điều kiện trở thành thành phố dễ dàng hơn nên các huyện ngoại thành TPHCM đang định hướng lên thành phố, thay vì lên quận.
Cụ thể, hiện tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng để phát triển. Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.
"Thành phố hay quận không quan trọng, mà lên để làm gì và đem đến lợi ích gì cho người dân địa phương mới là vấn đề. Lên thành phố là mong muốn ban đầu của các huyện, nhưng chính quyền TPHCM cần tính toán dựa trên định hướng toàn thành phố", ông Hưng nói.
Sở Nội vụ TPHCM đánh giá, những năm qua, 5 huyện ngoại thành tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở đây không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện trở thành quận hoặc thành phố; chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là cần thiết.
Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND TPHCM trước ngày 30/9/2022. Đồng thời, các huyện cũng xây dựng đề án riêng. Sau khi các đề án này được trình, TPHCM mới chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.
Tiền Phong