Vì sao các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất?
Cho đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND trong khi thị trường lại truyền đi thông điệp giảm lãi suất cho vay. Vậy, vì sao lãi suất huy động lại tăng?
Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động
Mới đây, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Cụ thể, VPBank vừa điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 01/07/2016 điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%.
Một trong những ngân hàng quốc doanh, Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng từ 5% lên 5,1%, kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.
Trước đó, trong tháng 6, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất như VietCapital Bank, Eximbank, TPBank,...
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua đồng loạt tăng trở lại với biên độ từ 0,4-0,6% ở cả ba loại kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,65% lên mức 1,77%/năm. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,63% lên mức 1,99%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,41% lên mức 2,2%/năm.
Việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua là diễn biến bình thường và không bất ngờ khi lãi suất trên thị trường này đã liên tục duy trì ở mức thấp trong 6 tuần trở lại đây.
Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Bởi từ ngày 14/6 tại một số NHTM nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 % so với cuối năm 2015.
Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Còn cơ hội cho lãi suất cho vay giảm?
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản của VND từ đầu năm đến nay khá dồi dào bởi nguồn cung khá dư thừa trong bối cảnh huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ; Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền VND ra nền kinh tế.
Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài nền kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát; bên cạnh đó, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích khác cho biết, việc dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. Với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại, NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền.
Ngoài ra, 6 tháng cuối năm cũng là thời điểm tín dụng có xu hướng tăng tốc mạnh. Theo số liệu NHNN cho biết, tính đến ngày 24/6/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ (sáu tháng đầu năm 2015 tăng 6,37%). Tín dụng bằng đồng Việt Nam tăng 8,11% so với cuối năm 2015, tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế.
Bên cạnh đó, KBNN mới đây cũng đã điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành TPCP cho cả năm nay thêm 30.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tăng ở kỳ hạn 5 năm. Diễn biến này cũng sẽ góp phần khiến cầu về nguồn vốn tăng thêm. Khi cầu về vốn tăng nhanh hơn so với cung, lãi suất cũng sẽ chịu sức ép tăng.
Nhận định thời gian tới, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát, ngoài điều hành giá nói chung thì cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.
"Vì sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Bởi hiện nay nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết" - Thống đốc nhấn mạnh.