MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cách một con sông mà gạo Việt không bằng Campuchia?

Nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới lại thua kém gạo Campuchia và không có thương hiệu mang tầm quốc tế. Tại sao gạo Việt lại ngậm ngùi thua trận như vậy?

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra. Theo ông Thúy, Việt Nam vốn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng lại thua kém gạo Campuchia vì một trong những nguyên nhân là “ma trận” phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành gây ra.

Viện Lúa gạo (IRRI), Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) và Ban Lúa gạo quốc tế (IRC) tổng kết nếu sử dụng phân bón đồng bộ, hợp lý và cân đối thì cho tăng năng suất cây trồng bình quân lên tới 35-40%.

Gạo là sản phẩm thiết yếu nuôi gần 80% dân số thế giời. Còn phân bón là nguyên liệu thiết yếu đầu vào cho tăng năng suất cây trồng. Vì vậy, IFA và FAO kết luận: cứ 3 người sống trên hành tinh thì có một người sống nhờ tăng năng suất cây trồng từ phân bón.

Thế nhưng, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Trong sản xuất thường được mùa mất giá, được giá mất mùa, thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến chưa xây dựng được thương hiệu trong nước bền vững và đặc biệt là thương hiệu quốc tế về nông sản Việt Nam, trong đó có gạo Việt.

Việt Nam đã xuất khẩu gạo gần 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế. So sánh với gạo Campuchia, ông Thúy dẫn chứng: “Tại Hội chợ Thương mại Lương thực quốc tế năm 2014, gạo thơm Phka Romdoil (hay còn gọi là gạo lài Campuchia) đã 3 lần trình làng, được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới. Đất nước Campuchia giống như Đồng bằng sông Cửa Long Việt Nam, cách nhau một con sông nhưng họ đã đạt, vì nghiêm túc thực hiện quy trình sử dụng phân bón hữu cơ khép kín và các quy chuẩn về phân bón hợp lý”.

Trước đó, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP, từng nêu lên vấn đề này. Cùng một giống lúa ở Nhật nhưng khi trồng tại Nhật thì chất lượng gạo tốt hơn, thơm dẻo hơn. Khi trồng tại Việt Nam thì gạo ngày càng có chất lượng kém hơn. Nguyên nhân là nông dân Việt Nam sử dụng phân hóa học quá nhiều, nhất là phân đạm để tăng năng suất lúa, đặc biệt là sử dụng phải phân giả, phân kém chất lượng…

“Cùng một giống lúa ở Nhật nhưng khi công ty Kitoku-Angrimex mang về trồng tại An Giang thì gạo ngày càng có chất lượng kém hơn. Nguyên nhân là sử dụng phân hóa học không đúng cách, sử dụng phải phân giả, phân kém chất lượng. Hay các giống lúa truyền thống như Jasmine 85, Thơm Sóc Trăng ST5… ngày càng mất mùi thơm, độ dẻo kém dần và không còn vị ngọt đậm đà của hạt gạo cũ”, bà Tú Anh dẫn chứng.

Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, không thể trách người nông dân được vì thực tế nông dân đang là “nạn nhân” của phân bón giả, phân bón kém chất lượng,

Các đối tượng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp để bán phân bón giả.

“Do trình độ thấp, khi bón cho cây trồng, đến cuối vụ, khi thấy cây trồng xấu đi, năng suất thấp… lúc đó người nông dân mới cảm nhận được. Mặc dù phải bỏ ra khoản tiền lớn mua phân bón nhưng mùa vụ thất thu”, vị đại diện này nói.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong thế giới hiện chỉ có khoảng 300 sản phẩm phân bón thì tại Việt Nam con số này lên tới 7.000 sản phẩm.

Ông Cường cho rằng, với nhiều sản phẩm như vậy, dù là người có chuyên môn cũng khó có thể nhận biết được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả chứ huống hồ gì người nông dân. Trong khi chế tài xử phạt còn nhẹ nên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên