MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cần ban hành Nghị quyết mới về phát triển Chính phủ điện tử?

Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh cách mạng 4.0, theo Văn phòng Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về phát triển Chính phủ điện tử là yêu cầu cấp thiết.

Hiện thực hóa quyết tâm xây Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp


Ngày 5/7/2018, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 và dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết này đã được Văn phòng Chính phủ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, trong kết luận cuộc họp ngày 14/5/2018 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng CNTT về xây dựng CPĐT, cùng với chỉ đạo thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, các Bộ ngành có liên quan xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; trình Ủy ban quốc gia về CPĐT cho ý kiến hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, Văn phòng Chính phủ cho biết thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, đánh giá sơ bộ thực trạng tình hình, kết quả triển khai xây dựng CPĐT thời gian qua, đồng thời đã gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Đề cập đến sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết mới về phát triển CPĐT, cũng tại dự thảo tờ trình, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng CPĐT như: ban hành theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy việc xây dựng CPĐT; xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về đăng ký doanh nghiệp, CSDLQG về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng CSDLQG về dân cư, CSDL đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…

Cùng với đó, một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về CNTT của Việt Nam cũng được nâng cao. “Vì vậy, năm 2016, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2014; trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193”, dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết mới nêu rõ.

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, còn nhiều nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi: còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức; việc xây dựng triển khai các CSDLQG, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai còn chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên, theo phân tích của Văn phòng Chính phủ, là do nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm được triển khai; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến nhiều số liệu không thống nhất; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức; còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT; thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án CNTT…

Văn phòng Chính phủ đề xuất: “Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thì việc xây dựng, ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 là yêu cầu cấp thiết”.

6 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết mới

Cũng tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết mới về phát triển Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự thảo Nghị quyết này, trong đó có quan điểm: Kế thừa, phát triển các Chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới.

Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển thành công CPĐT Việt Nam, trong đó có các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

Đồng thời, xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần đối với một loại dữ liệu; thực hiện định danh điện tử, sử dụng hình thức giao tiếp nhất quán, duy nhất; sử dụng được các dịch vụ công và các hệ thống thông tin giao tiếp với người dân, doanh nghiệp của Chính phủ trên các phương tiện hiện đại như điện thoại di động; coi dữ liệu là tài sản quan trọng khi phát triển của hệ thống CPĐT, đảm bảo các dữ liệu của Chính phủ được quản lý chặt chẽ và dễ dàng tập hợp thành thông tin hỗ trợ điều hành và ra quyết định tại cấp cao nhất và các cấp thấp hơn của Chính phủ; hoàn thiện hệ sinh thái CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới để xây dựng CPĐT.

Dự thảo Nghị quyết mới về Chính phủ điện tử cũng được xây dựng theo các quan điểm: Xây dựng CPĐT trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện; Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong xây dựng CPĐT hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển CPĐT; tranh thủ sự đồng thuận của người dân, toàn xã hội, chú trọng vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn dân về lợi ích của việc xây dựng CPĐT.

Theo M.T

Infonet

Trở lên trên