Vì sao đã dừng thu phí nhưng chưa dỡ trạm BOT cầu Đồng Nai, quốc lộ 51?
Dự án đã dừng thu phí nhưng các trạm vẫn án ngữ trên 2 tuyến quốc lộ, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan.
Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 qua hai tỉnh Đồng Nai , Bà Rịa - Vũng Tàu và dự án BOT cầu Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) đã dừng hoạt động từ 2-4 năm qua. Thế nhưng đến nay các trạm thu phí vẫn còn tồn tại (3 trạm trên quốc lộ 51 và 1 trạm trên quốc lộ 1) gây cản trở, mất an toàn giao thông và làm mất mỹ quan, dù các địa phương đã nhiều lần kiến nghị xử lý tồn tại đối với 2 dự án này.
Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 là 20,66 năm. Trong đó: thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029). Thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).
Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Từ ngày 13/1/2023, dự án BOT đầu tư mở rộng quốc lộ 51 đã tạm dừng thu phí.
Từ đó, nhà đầu tư đề nghị tạm dừng công tác bảo trì và bàn giao tài sản dự án cho Cục Đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 1/2023.
Ngày 19/4/2023, BVEC đã bàn giao 72,7km, bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25m thuộc đoạn tuyến từ Km0+900 - Km73+600 quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí cũng như các tài sản khác phục vụ cho dự án.
Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục, đảm bảo an toàn giao thông, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.
Đối với những tồn tại ở dự án BOT này, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Dự án mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo trì và khai thác tài sản theo quy định.
Trong văn bản, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã nhận được văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về việc kiến nghị đầu tư sửa chữa hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó có kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính thực hiện nhanh các thủ tục xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án mở rộng quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án BOT cầu Đồng Nai do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai làm chủ đầu tư, được xây dựng vào năm 2008, gồm các hạng mục: Nút giao Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao Vũng Tàu, nâng cấp cầu Đồng Nai cũ và đường gom kết nối vào Dự án.
Để hoàn vốn cho dự án này, nhà đầu tư đã đặt 1 trạm thu phí trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Từ cuối tháng 8/2020, trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai tạm dừng thu phí.
Liên quan đến dự án BOT cầu Đồng Nai, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí từ 18 năm 4 tháng 10 ngày như trong hợp đồng, xuống còn 7 năm 8 tháng 16 ngày. Nguyên nhân rút ngắn thời gian là do nhà đầu tư tính sai lưu lượng xe và xác định sai tổng mức đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT cầu Đồng Nai và giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định. Cục Đường bộ Việt Nam cũng Khu Quản lý đường bộ 4 quản lý khu vực Dự án BOT cầu Đồng Nai.
Tuy nhiên, dù đã dừng thu phí hơn 4 năm, nhưng đến nay trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai vẫn chưa được tháo dỡ. Công trình này đang gây cản trở lưu thông, mất mỹ quan và mất an toàn khi đã có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Tiền phong