MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đa số doanh nhân công nghệ thành công đều sinh ra từ năm 1981 – 1984?

29-10-2021 - 09:53 AM | Sống

Vì sao đa số doanh nhân công nghệ thành công đều sinh ra từ năm 1981 – 1984?

Những người sinh ra từ năm 1981 - 1984 có cơ hội hoàn hảo để khởi nghiệp công nghệ.

Tạo ra công ty tỷ đôla không phải là điểm chung duy nhất mà những nhà sáng lập của Reddit, Quora, Dropbox, Venmo, Airbnb, Instagram, Plantir, Pinterest, Lyft, Wish, Sofi và Facebook có. 17 người này còn đều là những người đàn ông được sinh ra trong khoảng từ 1981 – 1984.

Câu hỏi đặt ra là tại sao? Điều gì đã khiến có một sự trùng hợp đến như vậy khi mà 7 trong 10 kỳ lân công nghệ tỷ đô cùng với một số công ty công nghệ niêm yết lớn đều được sáng lập bởi những chàng trai sinh ra trong cùng một thế hệ. Một câu trả lời duy nhất có thể không thể lý giải được nhưng những sự kiện trong lịch sử cung cấp một vài manh mối.

Trở lại những năm 1970

Theo nhà tư vấn công nghệ Tim Bajarin, tiền đề cho thế hệ doanh nhân công nghệ trong độ tuổi 30 như hiện nay bắt đầu từ những năm 1970, nhờ vào thế hệ lập trình viên máy tính đi trước. "Những Bill Gates của thế giới là tiền thân của thế hệ này".

Những người như Bill Gates và Steve Jobs bắt đầu làm việc từ những năm 1970 cùng với những cái tên ít nổi tiếng hơn như Mitch Kapor của Lotus và Fred Gibbons của Software Publishing. Hầu hết họ tập trung vào máy tính mini và dành hàng nghìn giờ để làm điều đó. Khi chiếc máy tính cá nhân đầu tiên được ra đời vào năm 1975, những lập trình viên này đã sẵn sàng sẽ làm phong phú thêm cho nó.

Khi Malcolm Gladwell nói về thế hệ doanh nhân công nghệ trong cuốn sách của ông vào năm 2008 có tên Ouliers, ông nói họ sinh ra vào thời điểm hết sức đặc biệt. Nếu già hơn một chút, họ sẽ rời trường đại học và đi làm ở những công ty lớn như IBM và sự nghiệp của họ không có gì vượt trội cả. Mặt khác, nếu sinh sớm hơn, những cơ hội sẽ vuột mất.

Vì sao đa số doanh nhân công nghệ thành công đều sinh ra từ năm 1981 – 1984? - Ảnh 1.

 Điều quan trọng về thế hệ mới nhất là họ sinh ra vào đúng thời điểm máy tính cá nhân trở thành sản phẩm đại trà, khoảng đầu những năm 1980. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người lớn lên với một chiếc PC.

"Điều đó thật kinh khủng. Họ đã biết PC làm việc thế nào và trong nhiều trường hợp, họ đã sở hữu một chiếc PC trong nhà. Trong khi đó, thế hệ trước, sản phẩm công nghệ kỹ thuật số chỉ như một món đồ chơi đắt tiền".

Tuy nhiên, PC chưa được tiếp cận tới mọi người trên khắp thế giới. Năm 2014, nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ nhiều tổ chức cho thấy rằng các công ty máy tính đã ngừng cung cấp máy móc của họ cho các cô gái vào khoảng năm 1984.

Điều này đã gây ra ảnh hưởng đáng kể tới sự hiện diện của nữ giới trong lĩnh vực khoa học máy tính ngày nay. Phụ nữ chiếm 57% trong số toàn bộ người tốt nghiệp đại học nhưng chỉ 18% trong số đó có bằng về khoa học thông tin, máy tính.

Thiên thời địa lợi

Dẫu vậy, không phải tất cả đàn ông đều có thể sử dụng những chiếc máy tính đầu tiên. Năm 1981, giá máy PC trung bình là 1.565 USD – tương đương 4.100 USD trong những năm 2016. Và nếu muốn mua chiếc Macintosh đầu tiên khi vừa ra mắt vào năm 1984, bạn phải bỏ vào đó 2.495 USD, tức là gần 5.700 USD hiện nay.

Sam Altman – Chủ tịch 32 tuổi của Y Combinator – vườn ươm startup lớn nhất thung lũng Silicon nói rằng khi lớn lên tại St. Louis, anh đã có chiếc Mac LC II ở nhà. Tuy nhiên, anh thường xuyên sử dụng chiếc máy Mac IIGS ở trường tiểu học. Anh đã dành nhiều giờ viết các chương trình lập trình đơn giản. Tuy nhiên rõ ràng, một đứa trẻ sống trong một khu vực nghèo hơn, học tại trường nghèo hơn không thể nào có được đặc quyền đó.

“Bạn có thể viết một chương trình để tìm ra tất cả các số nguyên tố, ấn bắt đầu , quay lại vào sáng mai và bạn có thể thấy được những số nguyên tố lớn đến hàng triệu. Điều đó quả thật thú vị.” - Sam Altman chia sẻ.

Khi bong bóng Internet được hình thành, những đứa trẻ giống như Sam Altman đang tận hưởng những năm cuối của tuổi thiếu niên và sẵn sàng để bước ra thế giới rộng lớn. Sự chuyển biến của Internet được các phương tiện truyền thông và chính Internet phơi bày, giúp những bộ óc non nớt có một cái nhìn trực diện và tạo ra sự khác biệt lớn giữa hai thế hệ. Việc thành lập công ty và tự tìm hướng đi cho bản thân, giống với những gì Bill Gates và Steve Jobs đã làm, được coi là phương thức phát triển sự nghiệp đúng đắn.

Hỗn hợp của nhiều năm chuẩn bị từ khi còn nhỏ tuổi và môi trường phù hợp để phát triển đã trở thành bệ phóng cho những mầm non tương lai của ngành công nghệ và tạo ra nhiều cơ hội để giới trẻ có thể khẳng định bản thân.

"THE NEXT BIG THING"

Dĩ nhiên, không phải tất cả các nhà sáng lập công nghệ nổi bật nhất hiện nay đều ở độ tuổi 30. Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX Elon Musk đã 50 tuổi. Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos 57 tuổi. Tương tự như vậy, một số nhà sáng lập trẻ hơn sinh sau làn sóng đầu những năm 1980 đó đang vươn lên dẫn đầu.

Evan Spiegel và Bobby Murphy, những người đồng sáng lập Snap, lần lượt là 31 và 33 tuổi. Cũng không phải mọi nhà sáng lập sinh ra từ năm 1981 - 1984 đều thành lập công ty của họ cùng một lúc.

Ví dụ, Mark Zuckerberg đã thành lập Facebook tại ký túc xá đại học của mình vào năm 2004, trong khi John Zimmer không thành lập Lyft cho đến năm 2012. Điều quan trọng hơn là những kinh nghiệm họ đã có khi lớn lên và các mối quan hệ mà họ hình thành với công nghệ vào thời điểm đó. “Nếu bạn tặng một đứa trẻ một chiếc iPad ngày hôm nay, chúng sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng nếu bạn muốn tạo một ứng dụng cho iPad thì còn rất nhiều việc phải làm. Một đứa trẻ 7 tuổi sẽ không nghĩ ra điều đó cho chính mình", Altman nói.

Theo Saffo, làn sóng tương tự mà Gates và Jobs đã trải qua, tạo tiền đề cho "thế hệ Zuckerberg" và nhiều người khác đang sẵn sàng xảy ra lần thứ ba, tạo ra thế hệ thứ 3. Ông cho biết các công nghệ như CRISPR, một công cụ chỉnh sửa gen, đã chín muồi để đổi mới trong thập kỷ tới.

Nguồn: SMH

Theo Phương Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên