Vì sao doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng ôm hàng chờ thị trường hồi phục, nhất quyết không giảm giá bán?
Chủ đầu tư chỉ còn duy nhất một kênh để có thể thu hồi tất cả các chi phí, đó là tăng giá bán. Do vậy, họ sẵn sàng ôm hàng và chờ thị trường hồi phục chứ không giảm giá bán nhà ở.
- 07-02-2023Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hứa hẹn khởi sắc 2023
- 07-02-2023[Photo] Giật mình giá 1m2 căn hộ ở Thủ Thiêm đã chạm mốc 400 triệu đồng/m2
- 07-02-20235 dự án cao tốc được bổ sung hơn 31.000 tỷ đồng
Tại Tọa đàm "Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới" do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 7/2, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills cho biết, khi phát triển dự án nhà ở, những dự án có thể triển khai thông qua đấu giá đất có cơ sở pháp lý chắc chắn nhất. Tuy nhiên, những năm qua, chi phí đấu giá đất, chi phí đất bị đẩy cao, chi phí đầu vào tăng và chi phí vốn cũng tăng do pháp lý bị kéo dài.
Bà Minh cho rằng, thời gian từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi có giấy phép xây dựng có thể mất hai năm, thậm chí là ba năm. Như vậy, toàn bộ chi phí vốn vẫn đổ vào cho dự án trong thời gian đó nhưng chủ đầu tư không có nguồn thu. Chủ đầu tư chỉ còn duy nhất một kênh để có thể thu hồi được những chi phí, đó là tăng giá bán. Điều này vô hình kéo chi phí, giá bán của các căn hộ, nhà ở liền kề gia tăng. Do vậy, trên thực tế có những dự án tốc độ bán rất chậm nhưng không có dấu hiệu giảm giá bán.
"Các dự án nhà ở một khi bán là bán hết, chủ đầu tư sẽ không còn lại gì nữa. Vậy thì tại sao phải giảm giá khi đây là nguồn thu cuối cùng đối với một dự án triển khai? Các chủ đầu tư sẽ sẵn sàng ôm hàng nếu không thể bán và chờ đến khi thị trường hồi phục, chứ không giảm giá", vị này nhận định.
Bên cạnh đó, bà Hoàng Nguyệt Minh còn cho biết việc các dự án nhà ở bị thắt chặt từ khâu pháp lý, các doanh nghiệp bất động sản cũng bị thắt chặt hơn. Do vậy, câu chuyện bình ổn thị trường gần đây cũng tạo tác động tâm lý với nhà đầu tư bất động sản trong nước lẫn nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về vấn đề pháp lý, các dự án không thể đưa vào triển khai xây dựng sẽ gây tồn động về vốn. Sau này, nếu các dự án được đưa ra thị trường cùng một thời điểm thì sẽ gây thừa cung, nhưng giá bán không thể giảm đối với thị trường nhà ở.
"Dự án nhà ở, từ khâu xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu giá đất đến ra sổ đỏ cho người dân quá dài và phức tạp. Đến doanh nghiệp trong nước còn chưa đủ tự tin đi qua từng đó khâu, chưa nói đến nhà đầu tư nước ngoài," Giám đốc cấp cao của Savills nói.
Bà Nguyệt Minh cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài luôn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng về bất động sản. Họ có thể đầu tư bằng 100% vốn chủ mà không cần đi vay nhưng không có cách để rót vốn khi mà hành lang pháp lý chưa đủ, chưa khiến họ sự an tâm trong tất cả các phân khúc.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm vừa qua tập trung nhiều nhất vào nhóm bất động sản thương mại dịch vụ. Giá giao dịch một tòa nhà văn phòng ở thị trường Hà Nội và TP. HCM có thể lên tới 550 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chưa thể đẩy vào các dự án nhà ở vì hành lang pháp lý của dự án thương mại dịch vụ đang rõ ràng hơn rất nhiều.
Nhịp sống thị trường