MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp Việt thường "rơi rụng" dần sau vài năm phát triển?

Doanh nghiệp cho rằng vốn là một trong những khó khăn nhất, trong khi lãnh đạo ngân hàng nhận xét doanh nghiệp cần quan tâm hơn về phương án, hiệu quả đồng vốn.

Tại hội thảo "Các trợ lực để doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN SMEs) ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty Kizuna tổ chức ngày 3-10 ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng vốn tiếp tục là một trong những khó khăn hàng đầu.

Việt Nam có khoảng 97% DN vừa và nhỏ. Số lượng DN từ quy mô nhỏ phát triển đến quy mô vừa vẫn rất ít, chưa kể nhiều DN đã rơi rụng sau vài năm phát triển. Trong số các DN vừa và nhỏ gặp khó phần lớn thuộc ngành sản xuất. Những rào cản về chính nội lực của họ như vốn, kinh nghiệm quản lý; môi trường, chính sách... khiến các DN vừa và nhỏ không thể phát triển mạnh thời gian qua.

Báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn lớn nhất của DN nhỏ và vừa ở Việt Nam, vốn được đặt lên cao nhất. Có 62% số DN được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn, chủ yếu để đầu tư nhà xưởng, máy móc…, trong khi khó khăn về nguồn khách hàng đứng thứ 2 với 60%, khó khăn về nhà xưởng cũng có 55% người được khảo sát chỉ ra.

Vì sao doanh nghiệp Việt thường rơi rụng dần sau vài năm phát triển? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn về vốn. Ảnh: NLĐ

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP HCM, dẫn kết quả điều tra từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy tiếp cận vốn cũng là một trong những khó khăn của DN vừa và nhỏ. Cụ thể, trung bình chỉ có 40% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, con số này ở DN nhỏ là 62% và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn.

Đáng lưu ý, DN vừa và nhỏ chịu lãi suất vay đắt đỏ hơn và vốn ngắn hạn là chủ yếu. Khoảng 90% DN vừa và nhỏ cho biết phải có tài sản thế chấp khi vay vốn, cao đáng kể hơn so với tỉ lệ của DN lớn. Để giải quyết bài toán này, theo ông Trần Ngọc Liêm cần hình thành hệ thống cung cấp vốn thuận lợi và minh bạch hơn, bản thân DN cũng phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh…

Dưới góc độ ngân hàng, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết trong gần 20 năm làm việc liên quan đến thẩm định vốn vay cho DN, ông thấy có nhiều vấn đề tiếp cận vốn của DN, bao gồm nguyên nhân từ phía DN. Cụ thể, khi ngân hàng tới làm việc, nhiều DN chưa sẵn sàng hoặc chưa có chiến lược cụ thể về vốn vay, sử dụng vốn vay sao hiệu quả, phương án kinh doanh khả thi.

"DN có chiến lược về sản phẩm, thị trường… nhưng phương án vay vốn, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích thì chưa có. Hỏi DN vay vốn để làm gì, họ nói thấy miếng đất bên cạnh đẹp tính vay mua để chờ tăng giá nhưng vay mua đất xong để đó nên không còn vốn cho sản xuất" - ông Trần Khải Hoàn kể.

Đồng thời, không chỉ vốn vay mà để hoạt động hiệu quả, đi đường dài DN cần vốn tự có. Chẳng hạn, để triển khai dự án, DN cần khoảng 40% vốn tự có và 60% còn lại mới vay NH, trong khi thực tế hiện nhiều DN chỉ có 20% vốn tự có hoặc vay toàn bộ vốn NH nên rất rủi ro. Riêng về tài sản bảo đảm DN cũng cần quan tâm đến tính pháp lý.

"Tôi từng gặp một DN có nhà xưởng rộng lớn, đầu tư khoảng 10 tỉ đồng vào xây dựng nhà xưởng rồi đến tìm ngân hàng vay vốn. Nhưng khi nhân viên tín dụng hỏi về pháp lý của miếng đất xây nhà xưởng này mới biết là đất nông nghiệp thuê dài hạn, nhà xưởng xây xong chưa hoàn công… sao chúng tôi dám nhận thế chấp. Hay DN chỉ quan tâm tới tài sản thế chấp là động sản, bất động sản, trong khi một số tài sản khác có thể thế chấp như hợp đồng cung ứng sản xuất hàng hóa cho các đối tác là DN lớn, uy tín… lại rất ít DN quan tâm" - ông Trần Khải Hoàn chia sẻ thêm.

Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên