MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dự án 440 tỉ đồng bị cắt vốn?

Thời gian phê duyệt dự án kéo dài, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao, thời gian thi công quá ngắn... nên dự án đã không đủ điều kiện vay vốn thực hiện.

Ngày 27-3, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết địa phương đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo tình hình triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) đến Quốc lộ 1 (huyện Cam Lộ) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Ngân hàng thế giới ngưng cho vay

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án trên được đầu tư hơn 440 tỉ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư phần xây lắp, còn tỉnh phụ trách giải phóng mặt bằng (GPMB) từ ngân sách địa phương.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã bàn giao được 4,5 km (phần đường), 6 cầu và 1 cống trên tuyến cho chủ đầu tư; các đoạn còn lại tỉnh cũng đã hoàn thành kiểm kê, áp giá đền bù. Một số diện tích bàn giao trên tuyến, chủ đầu tư đã tiến hành thi công. Tuy nhiên, do không hoàn thành công trình trước ngày đóng hiệp định vay (31-12-2022) nên ngày 12-1-2023, WB có ý kiến không gia hạn hiệp định vay, đồng nghĩa với việc dự án không được tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn vay WB.

Về nguyên nhân dự án không đúng tiến độ dẫn đến bị cắt vốn, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án được ký hợp đồng thi công từ tháng 3-2022 nhưng đến ngày 30-5-2022, dự án mới được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho rút vốn để giải ngân. Đến ngày 8-6-2022 các nhà thầu thi công mới được tạm ứng vốn theo hợp đồng. Như vậy, thời gian chuẩn bị dự án từ khi Thủ tướng phê duyệt đến khi được chấp thuận rút vốn mất gần 11 tháng, thời gian để triển khai thi công đến thời điểm đóng hiệp định vay chỉ còn gần 6 tháng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận nguyên nhân chính khiến việc GPMB chưa hoàn thành đúng tiến độ là do thời gian thực hiện quá ngắn (6 tháng) trong khi số người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, giá đất mặt bằng tăng đột biến khiến tổng giá trị bồi thường từ 75 tỉ lên đến hơn 345 tỉ đồng. Trước tình hình này, dù tỉnh đã chỉ đạo các huyện Gio Linh, Cam Lộ, TP Đông Hà thành lập các ban chỉ đạo GPMB cấp huyện (do các bí thư làm trưởng ban) và 6 tổ GPMB (do các Ủy viên Thường vụ huyện, thành ủy) trực tiếp chỉ đạo, tuy nhiên công tác GPMB rất phức tạp, trong khi thời gian còn lại của hiệp định quá ngắn nên không thể triển khai kịp.

Vì sao dự án 440 tỉ đồng bị cắt vốn? - Ảnh 1.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đang tạm dừng thi công vì bị cắt vốn

Đề xuất thực hiện bằng vốn trong nước

Một nguyên nhân khác được UBND tỉnh Quảng Trị chỉ ra là công tác GPMB thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ; thời tiết cuối năm không thuận lợi, đặc biệt từ tháng 9-2022 tại địa bàn chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, gây mưa nhiều. Tại thời điểm thi công, trên địa bàn tỉnh khan hiếm về đất đắp do phải đấu giá mỏ đất theo Luật Khoáng sản nên nhà thầu không thể thi công…

Ngoài ra, nguyên nhân khách quan chủ yếu là thủ tục vốn ODA quá phức tạp, làm chậm tiến độ ứng vốn nên nhà đầu tư triển khai chậm, kéo theo việc GPMB chậm. Chính sách của nhà tài trợ yêu cầu quá khắt khe, đặc biệt là yêu cầu theo chính sách GPMB của WB, không phù hợp quy định của Chính phủ Việt Nam đối với nhà nằm trong hành lang an toàn giao thông.

"Với các lý do trên, nếu dự án không được tài trợ, công trình thi công sẽ dở dang, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư. Không những vậy, điều này gây mất lòng tin đối với người dân và khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và trong quản lý phần diện tích đã thu hồi" - lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thông tin. Hiện nay, Cục Đường bộ, chủ đầu tư dự án trên đã làm việc với UBND tỉnh về tái cơ cấu dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, tiếp tục thực hiện từ nguồn vốn trong nước.

Trước đó, Báo Người Lao Động có bài viết "Bị cắt vốn, dự án 440 tỉ dở dang" phản ánh về dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9. Liên quan đến thông tin báo nêu, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo tình hình triển khai dự án nêu trên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai dự án; nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý dứt điểm trong tháng 3, báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-3. 

Tuyến giao thông quan trọng

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 có chiều dài 13,8 km với quy mô đường cấp II, gồm 4 làn xe; thời gian thực hiện trong 2 năm 2021 - 2022, khởi công vào tháng 3-2022.

Đây là tuyến giao thông quan trọng phía Bắc của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết nối trung tâm tỉnh lỵ là TP Đông Hà với khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, khu bến cảng Cửa Việt và các khu đô thị, khu công nghiệp đa ngành phía Bắc khu kinh tế Đông Nam. Đến nay tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Theo Đức Nghĩa

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên