Vì sao dự án nhà máy giấy hơn 3.400 tỷ tại Long An 'chết yểu'?
Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tổng mức đầu tư 3.410 tỷ đồng tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã được đầu tư cách nay 20 năm, dự án này vừa "sinh ra" thì phải "khai tử". Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 "đại dự án" kém hiệu quả của ngành Công Thương.
- 22-03-2023Cận cảnh nhà máy Pin VinES gần 3.800 tỷ sắp vận hành tại Hà Tĩnh
- 16-03-2023Đại gia bắt tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo xây nhà máy lốp xe tại Mỹ: Từng tham vọng mua 55% Lọc dầu Dung Quất, mua ngân hàng Mỹ nhưng bang Texas bác bỏ
- 16-03-2023Cận cảnh Dự án Nhà máy nước hơn 1.000 tỷ đồng ‘đắp chiếu’ chờ tiếp nhận
"Ông giao thông" đi sản xuất giấy
Dự án Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi vào tháng 10/2003, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng.
Dự án này được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) - thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Bộ GTVT) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực sản xuất giấy.
Dự án được xây dựng trên diện tích 45ha, quy mô sản xuất 100.000 tấn bột giấy/năm từ nguyên liệu đay. Đến tháng 11/2007, chủ đầu tư đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.287 tỷ đồng.
Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO).
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, tính tới ngày 30/6/2009 - thời điểm bàn giao chủ đầu tư sang VINAPACO, TRACODI đã thực hiện đầu tư vào dự án trên 2.000 tỷ đồng, bao gồm: 35% giá trị khối lượng xây lắp của nhà sản xuất chính; 40% khối lượng khu xử lý nước thải; nhà văn phòng và 30% khu nhà ở công nhân.
Mặc dù hạng mục xây dựng nhà xưởng chưa xong nhưng TRACODI đã cho mua toàn bộ máy móc thiết bị với giá trị trên 57 triệu euro và cũng cho nghiệm thu thanh toán 100% cho đơn vị cung cấp.
Sau khi tiếp quản dự án, VINAPACO đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 3.410 tỷ đồng, triển khai hoàn thành các hạng mục đầu tư dang dỡ. Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là khâu chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là chặt mảnh không đạt chất lượng theo yêu cầu.
Để khắc phục sự cố, VINAPACO đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam, chuyên gia của nhà thầu Andritz (Áo) nghiên cứu sự cố để khắc phục. Đồng thời, Viện Công nghệ giấy và xenluylo cũng tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định, không có khả năng khắc phục được sự cố, không thể chuyển đổi nguyên liệu.
Theo tính toán của Tư vấn độc lập được VINAPACO thuê, trong trường hợp nhà máy vận hành suôn sẻ thì nguyên liệu đay cũng chỉ đáp ứng cho 12 ngày nhà máy vận hành trong một năm. Trong khi đó, nếu nguyên liệu đủ đáp ứng cho hoạt động cả năm, thì khi sản xuất 1 tấn giấy bằng công nghệ này chủ đầu tư vẫn lỗ gần 5 triệu đồng, đó là chưa kể, hệ thống xử lý nước thải của dự án thiết kế chưa đạt yêu cầu xả thải theo quy chuẩn Việt Nam, phải đầu tư 60 tỷ đồng để nâng cấp.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, dây truyền sản xuất bột giấy từ cây đay tại nhà máy bột giấy Phương Nam chỉ duy nhất có tại Việt Nam. Công nghệ này từ phòng thí nghiệm đi thẳng ra thực tế, không phù hợp nên không hoạt động được.
"Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguyên liệu đầu vào là cây đay, vì vậy thiết bị dây chuyền máy móc cũng được đầu tư trên cơ sở này. Nếu muốn chuyển sang sản xuất bột giấy từ gỗ và dăm mảnh thì phải thay đổi toàn bộ máy móc, thiết bị mới khác, chứ không thể tận dụng nâng cấp máy móc thiết bị hiện có được", ông Bảo phân tích.
Liên quan đến khó khăn, vướng mắc tại dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, dự án đã có sai lầm ngay từ đầu khi lập dự án.
"Khi lập dự án, đơn vị chủ đầu tư không tính đến vùng nguyên liệu, không tính đến sản phẩm đầu ra, hiệu quả kinh tế trong đầu tư, công nghệ không phù hợp. Dự án này đã được Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện vào tháng 4/2014 (Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ).
Tính đến nay, dự án này đã nằm im bất động gần 10 năm, càng để kéo dài càng thêm thiệt hại, lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ quyết định chấm dứt dự án này để các bên xử lý tài sản trên đất, giao trả mặt bằng, để địa phương mời gọi đầu tư lĩnh vực khác", người đứng đầu chính quyền tỉnh Long An đề xuất.
Dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án kém hiệu quả
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Long An vào ngày 26/3 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã nhấn mạnh: Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được khởi công xây dựng cách đây gần 20 năm. Đây là một trong số 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương trong thời gian qua. Việc xử lý chậm trễ dự án này gây ra lãng phí nguồn lực rất lớn.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, có các giải pháp cụ thể theo đúng thẩm quyền để đề xuất phương án cuối cùng trên tinh thần khả thi. Trên tinh thần chấm dứt dự án, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiến hành xử lý tài sản và đất đai có liên quan, xử lý nợ,… theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như địa phương tổng hợp trước ngày 15/4/2023, đề xuất báo cáo Ban Chỉ đạo để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án còn lại (Bột Giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất) thì Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, về thực tiễn các yếu tố bảo đảm cho dự án hoạt động đều không còn. Việc cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo dừng dự án từ 2014 để tránh thiệt hại thêm là rất đúng đắn. Tuy nhiên, tiến độ xử lý chậm nên gây thiệt hại rất lớn.
Dự án không triển khai được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phương án đề xuất của Bộ Công Thương cần làm rõ các khoản nợ và giải pháp xử lý nợ; xử lý tài sản trên đất và các vấn đề liên quan tới đất đai, phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương, cần điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh mục đích sử dụng đất,…
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến xử lý tín dụng; các vấn đề liên quan đến pháp lý để xử lý dự án. Đại diện các ngân hàng (chủ nợ), bày tỏ chia sẻ với khó khăn của VINAPACO và cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác để xử lý các vướng mắc dự án theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, từ thực tiễn tại địa phương, tỉnh Long An đề nghị sau khi chấm dứt dự án nhà máy giấy sẽ chuyển đổi mời gọi đầu tư dự án khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao tại khu đất này.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11/2007, TRACODI điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng.
Tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang VINAPACO, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng lên mức 3.410 tỷ đồng.
Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án, như thanh lý, nhượng bán...
VINAPACO đã thực hiện 3 đợt chào bán đấu giá nhà máy: Lần đầu tiên là từ ngày 12 - 14/7/2017. Lần thứ hai, từ ngày 20/7 - 9/8/2017, gia hạn thêm 15 ngày; và lần thứ ba là từ ngày 23/8 - 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày). Tuy nhiên, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Nhà đầu tư