MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao FDI lại đổ dồn vào dự án đã cấp phép trong khi vốn vào dự án mới giảm mạnh?

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm-2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lưu ý, vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh. Đây là một điều không phổ biến với FDI ở Việt Nam.

Theo VEPR, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam không tránh khỏi suy giảm trong Quý 1 và Quý 2, đặc biệt là Quý 2 khi Việt Nam cũng như các bạn hàng phong tỏa nền kinh tế. Song, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 2/2020, đạt 0,36% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81% so với cùng kỳ.

Trong 3 khu vực kinh tế thì khu vực nông lâm thủy sản chịu tác động ít nhất nhưng không đủ để cứu vãn toàn bộ nền kinh tế. Sự sụt giảm mạnh ở khu vực dịch vụ và mức tăng yếu của công nghiệp xây dựng, đặc biệt là khu vực liên quan xuất khẩu và khách quốc tế, khiến tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ.

Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong Quý 2. Nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là Trung Quốc đóng cửa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm.

Những nguyên nhân trên khiến chỉ số PMI suy giảm mạnh. Bắt đầu từ tháng 2, PMI giữ mức dưới 50 cho thấy nền sản xuất vẫn đang có xu hướng co hẹp, tuy vậy tốc độ giảm đang chậm lại. Bước sang tháng 6, PMI đạt 51,1 cho thấy các dấu hiệu hồi phục ban đầu. Các diễn biến phức tạp gần đây của dịch Covid-19 tại các nước đối tác quan trọng của Việt Nam khiến khả năng hồi phục mạnh sản xuất trong năm nay là không mấy khả quan.

Việc kết thúc giãn cách xã hội cùng chỉ thị thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa của Chính phủ đã có ảnh hưởng tích cực đến hành vi mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và sử dụng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 6,2% so với tháng trước và 5,3% so với cùng kỳ.

Việc doanh thu bán lẻ và dịch vụ giảm do mất khách du lịch quốc tế có thể gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng, trước mắt là đến thị trường lao động, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức và kinh tế ban đêm. Những yếu tố này tuy không được thể hiện rõ trong thống kê về GDP nhưng có tác động lớn đến đời sống của người dân, đặt ra nhiều vấn đề về chính sách an sinh xã hội.

Cũng nhờ vào động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết ách tắc đầu tư công, cùng chủ trương thúc đẩy đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, trong Quý 2/2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tính đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9%, khu vực có vốn FDI giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo, có thể thấy trong nửa đầu năm 2020, do quá trình đẩy nhanh đầu tư công, tăng trưởng đầu tư của khu vực nhà nước đang giúp bù đắp khu vực ngoài nhà nước. Tuy vậy, đây có thể không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Dự báo trong tương lai, khu vực ngoài nhà nước sẽ tiếp tục chi phối trên bình diện đầu tư.

Đặc biệt, báo cáo lưu ý, vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh, một điều không phổ biến với FDI ở Việt Nam.

Nguyên nhân cho hiện tượng này, nhóm nghiên cứu của VEPR giải thích, có thể là do các doanh nghiệp không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mà giữ lại tái đầu tư ở Việt Nam dưới dạng vốn bổ sung, có xu hướng cam kết hơn với các dự án đã được phát triển tại Việt Nam. Vốn đăng ký mới giảm mạnh trong Quý 2 có thể do niềm tin kinh doanh bị giảm tạm thời vì cú shock Covid-19. Nhưng với xu hướng cam kết sâu vào thị trường Việt Nam, các dự án mới có thể quay trở lại sau khi thế giới kiểm soát được bệnh dịch.

Đây là lúc cần xem xét lại các yếu tố ưu đãi thuế với các doanh nghiệp FDI, loại bỏ các ưu đãi dư thừa để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.

Về thương mại, do Covid-19 lây lan mạnh trên toàn thế giới, bao gồm cả các nước bạn hàng của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong khi nhập khẩu của đa số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu máy tính, điện thoại và linh kiện lại tăng.

Xuất khẩu mặt hàng máy tính sang Trung Quốc chiếm xấp xỉ 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này, và xuất khẩu điện thoại, linh kiện sang Trung Quốc tăng đột biến. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có phải là nước trung gian nhập khẩu với mục đích xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc?

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang và một số quốc gia, tiêu biểu là Mỹ, có những chính sách hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, Việt Nam cần lưu ý về khả năng trở thành thị trường tạm nhập tái xuất, đi kèm rủi ro chịu các biện pháp trừng phạt thương mại từ các nước đối tác.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên