MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao FDI yên tâm “đổ bộ” vào Vĩnh Phúc?

Vì sao FDI yên tâm “đổ bộ” vào Vĩnh Phúc?

Vĩnh Phúc nổi lên là địa phương có ngành sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước với những tên tuổi như Honda, Toyota....

"Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn của Vĩnh Phúc trong chính sách thu hút FDI ngay từ những ngày đầu", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành từng chia sẻ về định hướng thu hút FDI vào Vĩnh Phúc thời gian tới.

Vì sao FDI yên tâm “đổ bộ” vào Vĩnh Phúc? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Ảnh: Nguyễn Việt

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, không chỉ bây giờ mà từ cách đây 25 năm khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn chú trọng vào dòng vốn FDI chất lượng cao.

Chú trọng dòng vốn FDI chất lượng cao

“Điều này lý giải vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Đức… là những nhà đầu tư với yêu cầu cao về hạ tầng, nguồn nhân lực đã lựa chọn Vĩnh Phúc là một trong những nơi “đặt chân đầu tiên” tới Việt Nam khi đầu tư vào Việt Nam”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Điều quan trọng hơn như đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, đó là ngoài việc thực hiện triệt để phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh Vĩnh Phúc”. Lãnh đạo địa phương còn tận dụng thời cơ, thế mạnh của tỉnh, thể hiện tầm nhìn, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư bằng các chương trình, dự án cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ.

Được biết, Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư tại Vĩnh Phúc (sau Hàn Quốc) với gần 60 dự án, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, đóng góp khoảng 70% tổng thu ngân sách của địa phương.

Điển hình, trong số những tập đoàn lớn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Vĩnh Phúc phải kể đến, như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam có mặt tại Vĩnh Phúc từ những ngày đầu tái lập tỉnh.

Những năm gần đây, bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, Vĩnh Phúc cũng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng. Nổi bật là cuối năm 2015, Tập đoàn Sumimoto, Nhật Bản đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dự án hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Đây là khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tổng diện tích 213 ha. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã và đang hoạt động hiệu quả trong khu công nghiệp này.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định, Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, cho nên những năm qua tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Bộ phận Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (Japan Desk) đã tích cực hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch, với những nỗ lực đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản luôn đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương và đưa ra cam kết mở rộng đầu tư.

Luôn chuẩn bị quỹ đất cho nhà đầu tư Nhật Bản

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC) và Tập đoàn SOJITZ (Nhật Bản) về xây dựng chiến lược, kế hoạch mở rộng các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi bò thịt, giết mổ, chế biến, tiếp thị, phân phối thịt và các sản phẩm từ thịt tại thị trường Việt Nam, hướng đến xuất khẩu tại Vĩnh Phúc.

Vì sao FDI yên tâm “đổ bộ” vào Vĩnh Phúc? - Ảnh 2.

Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư tại Vĩnh Phúc (sau Hàn Quốc) với gần 60 dự án, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD.

Hiện nay UBND tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị các điều kiện xây dựng xây Tổ hợp chế biến và chăn nuôi bò thịt Việt Nam – Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản luôn ổn định, phát triển, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động.

Đây chính là cơ sở để Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản” sẽ được tổ chức vào ngày 23/6/2022 tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, tại cuộc hợp với các sở, ngành của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, chuẩn bị tốt các nội dung được phân công.

Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị các nội dung bao trùm về tình hình phát triển, quỹ đất tại các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp. Cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, đề án hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

“Đặc biệt, cần thể hiện rõ Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng chuẩn bị sẵn quỹ đất dành cho nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp giống như khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, và quỹ đất để các dự án của các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, xu thế mới trong sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nói.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch tỉnh, chuẩn bị các nội dung đề nghị hỗ trợ tư vấn không gian ngầm đô thị.

Xây dựng khu đô thị sinh thái dành cho chuyên gia Nhật Bản; Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm chuyển câu hỏi đề xuất của các doanh nghiệp để các sở, ngành chuẩn bị, bảo đảm hội nghị diễn ra thành công.

Theo Nguyễn Việt

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên