MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao FIT muốn sở hữu 80% vốn điều lệ DCL?

27-02-2017 - 15:38 PM | Doanh nghiệp

Theo FIT, điều sẽ đưa Dược Cửu Long trở thành hàng đầu ngành dược chính là dự án nhà máy thuốc ung thư, đang trong giai đoạn thành lập liên doanh và sẽ bắt đầu đầu tư ngay trong năm 2017.

Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) tiếp tục thông qua việc cho phép công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T nâng sở hữu lên mức 80% vốn điều lệ. Phía sau câu chuyện này là gì?

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Cửu Long, cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị F.I.T, đó là lý do liên quan đến chiến lược huy động vốn của Dược Cửu Long giai đoạn tới.

Cụ thể, với nhu cầu vốn đầu tư các năm tới khoảng 35 triệu USD vào các mảng kinh doanh bao gồm dự án mở rộng nhà máy viên nang rỗng (capsule), dự án nhà máy vật tư tiêu hao y tế, dự án thuốc ung thư và đầu tư tổng kho; Dược Cửu Long mặc dù đã có phương án tài chính tài trợ nhưng vẫn hướng đến việc tìm một đối tác chiến lược nước ngoài.

“Hiện đã có hơn chục nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc với Dược Cửu Long, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược ngành và nhà đầu tư tài chính. Chủ trương của F.I.T là đầu tư chiến lược ngành dược, nên việc xin sở hữu tới 80% Dược Cửu Long là để đảm bảo F.I.T luôn nắm chi phối (trên 50% vốn điều lệ) Dược Cửu Long sau khi Dược Cửu Long phát hành riêng lẻ cho đối tác”, ông Sang nói.

Tuy nhiên, ông Sang cũng chia sẻ những khó khăn trong việc phát hành cho đối tác ngoại.

“Dược Cửu Long muốn phát hành cho đối tác chiến lược ngành một phần vì giá cao hơn, một phần vì họ có thể hỗ trợ mình về công nghệ, quản trị, sản phẩm… nhưng với tỷ lệ nhất định thôi. Trong khi đó, câu đầu tiên mà các đối tác mong muốn lại là F.I.T bán toàn bộ cổ phần cho họ, hoặc có lộ trình cho phép họ sở hữu chi phối sau 2, 3 năm. Điều này là không thể. Chúng tôi đang đàm phán theo hướng họ có thể sở hữu 20-30% vốn điều lệ sau phát hành, nhưng cho phép họ tham gia vào từng mảng kinh doanh cụ thể của Dược Cửu Long với tỷ lệ 50-50. Còn các nhà đầu tư tài chính, họ thường muốn mua giá hời, và chủ yếu chỉ có thể hỗ trợ về tài chính thôi. Nên chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc vì Dược Cửu Long vẫn có phương án khác về tài trợ vốn. Mặc dù vậy, do nhu cầu vốn lớn nên Công ty vẫn mong muốn tìm được một đối tác chiến lược ngành trong năm 2017”, ông Sang chia sẻ.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Dược Cửu Long cho biết, hiện tại, dư địa tăng trưởng các mảng kinh doanh của Dược Cửu Long gần như không còn, trong đó có mảng viên nang rỗng và thiết bị y tế đã hết công suất. Công ty đã có phương án đầu tư và dự kiến cuối năm 2017 sẽ bắt đầu có sản phẩm từ dự án mới cho cả 2 mảng này. Dược Cửu Long tự tin duy trì (với mảng capsule) và đạt (với mảng vật tư tiêu hao) vị thế số 1 tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với mảng dược, nhờ mua lại thành công Euvipharm với công nghệ hiện đại, công suất lớn và giá thấp so với giá trị tài sản, doanh thu sẽ tiếp tục trở lại. Tuy nhiên, điều sẽ đưa Dược Cửu Long trở thành hàng đầu ngành dược chính là dự án nhà máy thuốc ung thư, đang trong giai đoạn thành lập liên doanh và dự kiến sẽ bắt đầu đầu tư ngay trong năm 2017.

Theo kế hoạch, liên doanh sản xuất thuốc ung thư công nghệ Đức, tiêu chuẩn châu Âu dự kiến được thành lập trong tháng 3/2017, triển khai xây dựng ngay trong năm nay trên phần đất của Euvipharm. Mất khoảng 4 năm để xây dựng và vận hành nhà máy, nhưng ngay trong năm 2017, Dược Cửu Long sẽ bắt đầu nhập sản phẩm bán tại Việt Nam. Hoàn thành kế hoạch này, Dược Cửu Long sẽ là công ty dược trong nước đầu tiên sản xuất được nhóm sản phẩm này.

Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên