MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá cà phê sẽ tăng cao trong dài hạn?

17-10-2021 - 15:29 PM | Thị trường

Vì sao giá cà phê sẽ tăng cao trong dài hạn?

Những vấn đề về chuỗi cung ứng, hạn hán, băng giá và lạm phát đều cho thấy giá mỗi tách cà phê sáng của bạn sẽ tăng lên trong thời gian dài.

Như thể một tách cà phê chưa đủ đắt, một loạt các yếu tố đang làm tăng chi phí của thứ đồ uống phổ biến này từ nay đến cuối năm.

Sau khi dao động ở mức gần 1 USD/lb trong nhiều năm, giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai đã tăng gấp đôi vào cuối tháng 7, đạt mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ năm 2014. Mặc dù sau đó giá đã giảm nhẹ, nhưng hiện vẫn trên 2 USD/lb. Những người yêu thích cà phê có thể sẽ thất vọng với mức giá thậm chí sẽ còn tăng hơn nữa, bởi dù giá cà phê nguyên liệu giảm thì không phải lúc nào giá đến tay người tiêu dùng cũng giảm theo.

Hoạt động vận chuyển bị gián đoạn

Sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển cà phê trên khắp thế giới, do thiếu container và tắc nghẽn cảng, có thể sẽ giữ giá cà phê cao trong thời gian dài vì thị trường không dễ cân bằng nguồn cung trở lại do vấn đề địa lý.

Tại hội nghị thường niên do Hiệp hội Thương mại Cà phê Thụy Sĩ (SCTA) tổ chức ngày thứ Sáu (15/8), các nhà phân tích và kinh doanh cà phê cho biết các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải đang cản trở việc di chuyển nguồn cung cà phê một cách nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ở một số khu vực trên thế giới, thúc đẩy giá mặt hàng này tăng lên.

Trong vòng một tháng qua giá cà phê arabica đã tăng 10%, còn so với cùng kỳ năm ngoái thì giá hiện cao hơn khoảng 60%. Với mức giá 2,12 USD/lb đạt được trong tuần qua, giá cà phê arabica đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Vì sao giá cà phê sẽ tăng cao trong dài hạn? - Ảnh 1.

Ben Clarkson, người đứng đầu mảng cà phê thuộc Louis Dreyfus, cho biết: "Khi nguồn cung cà phê toàn cầu trở nên thiếu hụt, sẽ có hàng loạt những đơn cung cấp bị hủy. Giá cao lẽ ra sẽ thúc đẩy hoạt động vận chuyển, nhưng điều đó không xảy ra với thị trường cà phê lúc này, vì nguồn cung không có sẵn".

"Rõ ràng là có nhiều rủi ro theo hướng đẩy giá tăng cao hơn nữa. Thị trường đang cố gắng cân bằng trở lại nhưng chưa làm được điều đó", ông Clarkson cho biết.

Xuất khẩu cà phê nhân của Brazil trong tháng 9 đã giảm 29% so với một năm trước đó, xuống 2,74 triệu bao (1 bao = 60 kg), hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, Cecafe, mới đây cho biết. Khó khăn vận chuyển tiếp tục cản trở dòng chảy của hàng hóa.

Xuất khẩu cà phê arabica của Brazil, loại dịu nhẹ, giảm 24% xuống 2,42 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê robusta, loại được ngành cà phê hòa tan sử dụng để pha trộn, giảm 51%, chỉ còn 326.045 bao.

Nhu cầu cà phê robusta tăng mạnh tại thị trường nội địa Brazil khi các nhà rang xay tăng cường sử dụng cà phê này trong các hỗn hợp pha trộn vì giá arabica đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau đợt băng giá vào tháng 7. Ngoài vị trí là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, Brazil còn là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ hai sau Mỹ.

Người đứng đầu của Cecafe, Nicolas Rueda, cho biết sẽ chưa sớm có sự thay đổi nào liên quan đến việc vận chuyển, với việc các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc đặt hàng container và tàu, cũng như đối mặt với việc bốc hàng thường xuyên từ các công ty vận tải thường xuyên bị hoãn.

"Có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu để đảm bảo các container và bốc xếp hàng. Và tất cả đều rất tốn kém", ông Rueda cho biết.

Theo ông Rueda, các nhà nhập khẩu ở các quốc gia tiêu thụ chính như Mỹ, khách hàng hàng đầu của Brazil đối với cà phê, cũng đang phải gánh chịu hậu quả của sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Nhung Ly, Giám đốc điều hành của COMCO Trading tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sẽ có sản lượng cà phê lớn 2021/22 nhờ nguồn dự trữ tăng lên, nhưng các công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc di chuyển cà phê ra khỏi đất nước.

Số liệu sơ bộ của Hải quan cho thấy xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 9 giảm 10,2% so với tháng 8, chỉ đạt 100.340 tấn. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 1,18 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, song kim ngạch tăng 3,4% đạt 2,2 tỷ USD.

Nguồn cung sụt giảm

Thị trường cà phê đang nóng trở lại do triển vọng nguồn cung ở Brazil giảm sau đợt hạn hán và băng giá nghiêm trọng. Không chỉ ở Brazil, sản lượng của một số nước sản xuất lớn khác cũng không được như kỳ vọng.

Carlos Mera, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản của Rabobank cho biết: "Chúng tôi tin rằng thị trường cà phê sẽ thiếu hụt khoảng 4 triệu bao, các nhà phân tích khác cho rằng con số này lên tới 7 triệu bao".

Mặc dù rất khó xác định quy mô mất mùa ở Brazil, ông Mera cho biết các ước tính khác nhau, dao động trong khoảng từ 2 triệu đến 6 triệu bao cà phê. Mức đó tương đương khoảng 12% sản lượng của nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với Arabica - loại hạt được sử dụng cho hầu hết cà phê được bán trên toàn cầu. Nguồn cung giảm hầu như luôn có nghĩa là giá sẽ tăng.

Các chuyên gia cho rằng giá cao hiện nay cuối cùng sẽ thúc đẩy sản xuất ở các quốc gia và khu vực khác ngoài Brazil, chẳng hạn như Colombia, Trung Mỹ và châu Phi, dẫn đến nguồn cung cân bằng hơn, nhưng điều đó sẽ mất thời gian.

Ngay ở thời điểm hiện tại, người trồng cà phê Colombia, nhà sản xuất arabica số 2 thế giới, cũng giảm lượng cà phê cho khách hàng trong năm nay, với mức giảm lên tới 1 triệu bao, tương đương 10% sản lượng của quốc gia này, khiến các nhà xuất khẩu, thương nhân và nhà rang xay đang phải đối mặt với tình trạng khó chồng khó, thậm chí có nguy cơ vỡ nợ. Nguyên nhân vì hợp đồng kỳ hạn tương lai mà nông dân ký bán lúc giá cà phê rẻ, đến nay khi thu hoạch giá đã tăng khoảng 60%. Nông dân muốn thương lượng với người mua, hoặc chờ đến cuối năm mới giao hàng.

Chuyên gia phân tích Grace Wood của công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld cho biết nếu người tiêu dùng không thấy giá cà phê tăng vào cuối năm nay, thì gần như chắc chắn giá cà phê sẽ tăng vào năm 2022, vì nhu cầu bình quân đầu người dự kiến ​​sẽ tăng.

Tham khảo: Reuters, Miamitimesonline

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên