Vì sao giá gạo xuất khẩu liên tục giảm?
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam trong ngày 4/3 tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 16 USD, xuống mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 15 USD còn 555 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 20 USD còn 478 USD/tấn.
- 05-03-2024Mặt hàng này của Việt Nam bất ngờ được Ấn Độ săn lùng với giá đắt đỏ: Tăng trưởng gấp 3 lần trong tháng đầu năm, Trung Quốc luôn tìm đến Việt Nam để mua hàng
- 02-03-2024BYD 'dồn quân' cho thị trường ô tô lớn thứ 4 thế giới: Doanh số xe điện chỉ chiếm 2% do người dân không có hàng để mua
- 01-03-2024Một mặt hàng đặc sản của Việt Nam được Nhật Bản gom hàng gấp 3 lần trong tháng đầu năm: Châu Âu cực kỳ ưa chuộng, nước ta có năng suất đứng đầu thế giới
Như vậy, từ giữa tháng 2 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã liên tục giảm gần 60 USD/tấn và giảm 85 USD/tấn so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12/2023.
Trong nửa cuối tháng 2/2024, giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm. Tuy nhiên, trong phiên điều chỉnh mới nhất ngày 4/3, giá gạo Thái Lan tăng nhẹ, gạo 5% tấm tăng thêm 4 USD và hiện có giá 613 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 561 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 484 USD/tấn.
Theo VFA, việc giá gạo xuất khẩu giảm do các nước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Cụ thể, tại Việt Nam, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của Việt Nam) đang thu hoạch rộ vụ Đông xuân. Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ngày 4/3, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.200 – 8.000 đồng/kg. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 – 8.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.400 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 dao động 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Mặc dù, giá lúa gạo xuất khẩu giảm liên tục nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu do nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất cao trong khi nguồn cung hạn chế vì tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấngạo; Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Ngoài ra, còn có trường hợp Trung Quốc, sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, Ấn Độ là nước có sản lượng gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.
Bà Phan Mai Hương, chuyên gia thị trường, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, phân tích, trước hết phải xác định giá gạo xuất khẩu hiện nay thấp hơn so với đỉnh điểm năm 2023 nhưng vẫn cao so với mặt bằng bình quân nhiều năm. Xu hướng giảm giá gạo gần đây là diễn biến thuận theo quy luật cung - cầu của thị trường. Nhu cầu lương thực thế giới vẫn cao nhưng không cấp bách như giai đoạn trước. Thêm nữa thời điểm này, các quốc gia sản xuất lúa gạo như Việt Nam, Thái Lan đều đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm, do đó, nguồn cung khá dồi dào. Các nhà nhập khẩu gạo lớn đều nắm rõ thời điểm thu hoạch và sản lượng lúa gạo từ các quốc gia nên họ không vội vàng mua vào mà có tâm lý chờ để trả được giá tốt hơn.
“Giá xuất khẩu giảm kéo theo giá lúa gạo nguyên liệu trong nước cũng hạ nhiệt. Đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đẩy mạnh mua vào để dự trữ cho các đơn hàng thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế trải qua một năm 2023 nhiều biến động khó lường, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo thua lỗ nên năm nay họ đang gặp khó khăn về tài chính hoặc thực hiện mua tới đâu bán tới đó, không dám dự trữ nhiều. Về cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tự cân đối, quyết định thời điểm mua vào dựa trên hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với đối tác. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ về lãi suất hay nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp thu mua, dự trữ lúa gạo thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mua vào, việc tiêu thụ lúa Đông Xuân cho nông dân sẽ nhanh hơn”, bà Phan Mai Hương nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 2/3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý vướng mắc về hoàn thuế VAT theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương tính toán, có phương án mua dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo mong muốn các cơ quan liên quan sẽ sớm triển khai Chỉ thị trên, phân bổ nguồn vốn tín dụng phù hợp để việc thu mua, tạm trữ lúa gạo diễn ra kịp thời, thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.
Báo Tin tức