MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá hàng hóa gần đây tăng vọt?

11-06-2021 - 08:52 AM | Thị trường

Giá nhiều loại hàng hóa, từ nguyên vật liệu cho tới thành phẩm, đều tăng vọt trong thời gian gần đây là do thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt đông sản xuất, chuỗi cung ứng, trong khi các doanh nghiệp hạn chế tồn kho trong nhiều thập kỷ qua.

'Just In Time' không còn phù hợp

Trong câu chuyện về cách thế giới hiện đại được xây dựng, Toyota nổi lên là người dẫn đầu cho một bước tiến vượt bậc về hiệu quả công nghiệp. Hãng sản xuất ôtô Nhật Bản này đã đi tiên phong trong phong trào sản xuất được gọi là “Just In Time”, tức là các linh kiện được vận chuyển đến nhà máy ngay khi cần nhằm giảm thiểu nhu cầu dự trữ chúng.

Trong nửa thế kỷ qua, cách tiếp cận này đã làm “say mê” các doanh nghiệp toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp không chỉ ôtô. Từ thời trang cho tới chế biến thực phẩm, dược phẩm, các doanh nghiệp đều áp dụng phương thức “Just In Time” để tăng tốc độ sản xuất, cho phép họ thích ứng nhanh với sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường, đồng thời cắt giảm được chi phí.

"Just In Time" có thể nói là một cuộc cách mạng trong thế giới kinh doanh. Bằng việc giữ tồn kho ở mức thấp, các nhà bán lẻ lớn có thêm nhiều không gian để trưng bày nhiều hàng hóa hơn. "Just In Time" cho phép các nhà sản xuất tùy chỉnh sản phẩm của họ. "Just In Time" không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí mà còn cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sang các sản phẩm mới.

Những yếu tố này làm gia tăng giá trị cho các công ty, thúc đẩy sự đổi mới và kích thích thương mại.

Vì sao giá hàng hóa gần đây tăng vọt? - Ảnh 1.

Việc cắt giảm tồn kho bỗng nhiên trở thành yếu điểm trong những thời kỳ xảy ra sự kiện bất thường. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, những sự kiện hỗn loạn xảy ra trong năm 2020 thay đổi mọi thứ. Việc cắt giảm tồn kho bỗng nhiên trở thành yếu điểm, một số ngành thậm chí bị cho là đã đi quá xa, khiến chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn. Khi đại dịch Covid-19 cản trở hoạt động của các nhà máy và gây hỗn loạn trong dịch vụ vận chuyển toàn cầu, nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới rơi vào tình trạng thiếu hụt một loạt hàng hóa, từ đồ điện tử đến gỗ xẻ rồi quần áo.

Trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều biến động thất thường, “Just In Time” lại không có tác dụng. “Giống như là chuỗi cung ứng đang chạy tán loạn vậy. Trong cuộc đua để đạt chi phí thấp nhất thì họ lại khiến rủi ro tập trung lại một điểm”, Willy C. Shih, chuyên gia về thương mại quốc tế tại Trương Kinh doanh Harvard, nhận định.

Hậu quả dễ thấy nhất của việc phụ thuộc quá nhiều vào "Just In Time" được tìm thấy trong chính ngành công nghiệp đã phát minh ra nó. Các hãng sản xuất ôtô đang điêu đứng vì thiếu chip máy tính, một linh kiện quan trọng được sản xuất ở châu Á. Không có đủ chip trong tay, các nhà máy ôtô ở khắp nơi, từ Ấn Độ, Mỹ đến Brazil, buộc phải tạm ngừng dây chuyền lắp ráp.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung này cũng cho thấy mức độ thống trị mà ý tưởng Just In Time tác động đến đời sống thương mại. Nó là lý do giải thích cho việc Nike và các thương hiệu may mặc khác đang phải vật lộn để cung cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ. Đó là một trong những lý do khiến các công ty xây dựng gặp khó khăn khi tìm mua sơn và chất chống thấm, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khiến các nhân viên y tế tuyến đầu không có đủ trang bị cần thiết.

Sự thiếu hụt làm dấy lên câu hỏi về việc liệu một số doanh nghiệp có đang quá tiết kiệm tiền bằng cách giảm tồn kho, để rồi không sẵn sàng cho bất cứ rắc rối nào bất chợt xảy ra.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy một số công ty dự trữ thêm nhiều hàng hóa hơn và tạo dựng mối quan hệ với thêm nhiều nhà cung cấp để tạo “hàng rào” bảo vệ họ khỏi rắc rối.

Những sự kiện bất thường

Đại dịch Covid-19 chính là một trong những sự kiện bất thường để “thử lửa” phương thức "Just In Time".

Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 tàn phá hết quốc gia này đến quốc gia khác, khiến các nền kinh tế phải rùng mình vì sợ hãi, người tiêu dùng đổ xô mua đồ tích trữ trong nỗi hoảng sợ tột độ. Đến nay, khi Trung Quốc, Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác trên đà phục hồi nhanh chóng, các chính phủ đẩy mạnh chi tiêu và nhà đầu tư đặt cược vào nền kinh tế “xanh”, doanh nghiệp lại là bên đổ xô đi tích trữ hàng hóa một cách điên cuồng.

Bằng chứng là hàng chục tàu container đang neo ở ngoài bờ biển California, Mỹ, chờ dỡ hàng tại các cảng từ Oakland tới Los Angeles. Hầu hết hàng hóa đang tràn về Mỹ từ Trung Quốc, nơi ghi nhận giá sản xuất tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ năm 2017. Áp lực về chi phí đầu vào buộc các nhà máy tại Trung Quốc phải chuyển cho các nhà bán lẻ và khác hàng ở nước ngoài. Trong khi đó, ở khắp các trung tâm sản xuất của thế giới tại khu vực Đông Á, sản xuất trì trệ nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 và tồn kho một số vật liệu thô ở mức thấp càng khiến giá lên cao, theo giới phân tích.

Từ các nhà sản xuất nệm, ôtô cho tới giấy bạc, doanh nghiệp nào cũng đang mua nguyên vật liệu nhiều hơn mức họ cần trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa đang phục hồi với tốc độ chóng mặt. “Cơn lốc” mua sắm này đang đẩy chuỗi cung ứng đến bờ vực của sự gián đoạn. Nguồn cung thiếu hụt, giao thông vận tải tắc nghẽn và giá cả tăng vọt đều đang sát mức cao nhất trong thời gian gần đây.

Vì sao giá hàng hóa gần đây tăng vọt? - Ảnh 2.

Giá lương thực thế giới tăng liên tục 12 tháng tính đến tháng 5, ghi nhận chuỗi tăng dài nhất trong thập kỷ. Ảnh: Bloomberg.


“Bạn nói đến vật liệu gì thì chúng ta cũng đang thiếu vật liệu đó”, Tom Linebarger, chủ tịch và CEO của nhà sản xuất động cơ và máy phát điện Cummins, nói. Thế giới dường như đang cạn kiệt tất cả.

Tuy nhiên, Evy Hambro, trưởng bộ phận chuyên về đầu tư tại BlackRock, cho rằng: “Một trong những yếu tố thúc đẩy giá hàng hóa đạt mức cao kỷ lục là nhu cầu về tài chính, chứ không hẳn là nhu cầu vật chất. Chúng ta đang chứng kiến ‘chiến dịch phủ xanh toàn cầu’ trên thế giới, việc này sẽ đòi hỏi lượng hàng hóa rất lớn. Xu hướng này có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ”.

Cụ thể, ở thị trường hợp đồng tương lai, lượng đặt cược đầu cơ vào các hợp đồng ở London và New York đạt mức cao nhất trong lịch sử. Các quỹ ETP, quỹ cung cấp các sản phẩm đầu tư hàng hóa, đón nhận dòng vốn kỷ lục. Dòng vốn ròng đổ vào quỹ giao dịch hàng hóa WisdomTree Copper đã tăng 366 triệu USD trong năm nay, nâng số tài sản của quỹ lên mức kỷ lục 841 triệu USD.

Trong 6 tháng tính đến tháng 4, giá trị tài sản của quỹ BlackRock World Mining tăng 3,1 tỷ USD lên mức cao nhất trong 6 năm là 7,5 tỷ USD. Ngoài ra, 5 quỹ cung cấp các sản phẩm đầu tư hàng hóa (ETP) của ngành kim loại cũng đón nhận dòng vốn lớn nhất kể từ trước đến nay trong tháng 4.

Vì sao giá hàng hóa gần đây tăng vọt? - Ảnh 3.

5 quỹ giao dịch trao đổi hàng hóa lớn nhất thế giới đón nhận dòng vốn kỷ lục vào tháng 4. Ảnh: Bloomberg.


Giá cả lên cao một phần khác bởi thế giới hứng chịu một loạt thiên tai, sự kiện bất ngờ khác, làm rung chuyển cả thị trường hàng hóa trong vài tháng gần đây.

Vụ tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez làm trì trệ hoạt động vận tải toàn cầu hồi tháng 3. Hạn hán ở các vùng nông nghiệp quan trọng của Brazil đang làm tê liệt nguồn cung các loại cây trồng từ ngô đến cà phê. Tăng trưởng sản lượng dầu thực vật đã chậm lại ở Đông Nam Á. Đợt lạnh sâu và mất điện trên diện rộng làm tê liệt hoạt động sản xuất năng lượng và hóa dầu khắp khu vực miền trung Mỹ hồi tháng 2.

Một vấn đề khác là các vụ tấn công an ninh mạng. Tháng trước, tin tặc lại đánh sập hệ thống ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ, Colonial Pipeline, khiến giá xăng vượt trên 3 USD/gallon lần đầu tiên kể từ năm 2014 và nhiều thành phố lớn của Mỹ không có xăng để bán. Đến cuối tháng 5, công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới JBS tại Mỹ cũng bị tấn công mạng, làm tê liệt cơ sở chế biến thịt tại Australia, Mỹ và Canada, khiến hàng chục ngàn công nhân phải ở nhà.

Kết quả, giá lương thực toàn cầu chạm đỉnh 10 năm trong tháng 5 và đang tiếp tục trên đà tăng trước những lo ngại liên quan tới thời tiết và làn sóng thu mua nông sản ở Trung Quốc. Cụ thể, FAO cho biết chỉ số giá lương thực thế giới tháng 5 đã tăng thêm 4,8% so với tháng 4, đánh dấu đà tăng liên tục 12 tháng, cũng là chuỗi tăng dài nhất trong thập kỷ. Như vậy, chỉ số giá lương thực đang tiến gần mức kỷ lục cao nhất 10 năm qua, xác lập vào tháng 9/2011.

Theo Thanh Long

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên