Vì sao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay vẫn chưa giải ngân hết?
Để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ kịp thời, mang tính nhân văn. Bên cạnh những hiệu quả đạt được, một số chính sách vẫn còn những hạn chế nhất định khiến đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận.
- 27-05-2021Kiến nghị dùng tiền chưa giải ngân từ gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân
- 30-09-2020Đề xuất bỏ nhiều điều kiện trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
- 10-05-2020Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng khi nào sẽ đến tay những lao động mất việc?
Gần 2 năm qua, dưới tác động khôn lường của đại dịch Covid-19, với quan điểm “Đảm bảo an sinh xã hội làm mục tiêu, là động lực phát triển nhanh và bền vững”, Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các địa phương đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, các nhóm người dễ bị tổn thương vơi bớt khó khăn, vượt qua đại dịch. Trong đó có những chính sách lớn chưa từng có như Nghị quyết 42, Nghị quyết 68 và gần đây nhất là Nghị quyết 116. Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có trao đổi với phóng viên VOV, nhìn lại tổng thể các chính sách an sinh hỗ trợ lớn trong 2 năm vừa qua.
PV: Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống. Trong thời gian này, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4, ông đánh giá như thế nào về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội. Để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tổng thể để đối phó với đại dịch Covid-19. Đến nay có khoảng 70 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp của các địa phương, Bộ ngành và Chính phủ, trong đó có 3 gói hỗ trợ an sinh khẩn cấp thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch, vừa đảm bảo đời sống gồm gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ là 26.000 tỷ đồng, đặc biệt là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ BHTN với kinh phí 38.000 tỷ đồng. Đến nay có thể thấy các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 lần đầu tiên được thực hiện, chưa có trong tiền lệ, nên quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, đến nay tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 40% và vẫn đang tiếp tục triển khai.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm triển khai các chính sách được ban hành, Chính phủ đã giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách, đặc biệt là nhóm lao động tự do chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với 26.000 tỷ đồng tính đến tháng 11/2021 cũng đã giải ngân được 26.390 tỷ đồng và hỗ trợ được cho 26,98 triệu lượt đối tượng, đạt mục tiêu cơ bản đề ra.
Riêng với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116, trích từ nguồn kết dư quỹ BHTN là chủ trương hết sức đúng đắn và cấp bách. Đến hết tháng 11/2021 đã giải ngân được 24.000 tỷ.
PV: Như ông vừa chia sẻ, bên cạnh những hiệu quả đạt được, các gói hỗ trợ này vẫn còn một số vấn đề chưa như mong đợi, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, chúng ta thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, số lượng người cần hỗ trợ quá lớn lên đến hàng chục triệu người. Bên cạnh đó, có thể thẳng thắn nói rằng việc triển khai còn nhiều quy định cứng nhắc, thủ tục rườm rà và chậm triển khai ở một số cơ sở. Nhiều địa phương vẫn triển khai theo cách thủ công, chưa quan tâm đến việc sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp dẫn đến nhiều trường hợp hỗ trợ nhầm hoặc chậm hỗ trợ. Đặc biệt một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động chưa được phổ biến đầy đủ các thông tin chính sách nên chưa hiểu cặn kẽ để làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, với một số quy định về hỗ trợ lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như việc cho doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động hay đào tạo lại lao động từ quỹ BHTN.
PV: Gói hỗ trợ từ nguồn quỹ BHTN 38.000 tỷ đồng đã khắc phục được những hạn chế của các gói hỗ trợ trước, song có nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp mang tính dài hạn hơn nữa ngoài việc dùng nguồn kết dư của quỹ này để hỗ trợ khẩn cấp?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng đã thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực và đầy nhân văn. Chính sách này cũng chưa từng có trong tiền lệ. Chính sách đã nhận được sự quan tâm của đối tượng thụ hưởng và dư luận xã hội, được đánh giá cao. Việc dùng nguồn kết dư từ quỹ BHTN để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, công bằng, chia sẻ rủi ro. Mức hưởng được chia thành nhiều bậc từ 1,8-3,3 triệu đồng, thể hiện vai trò bà đỡ của BHTN, giúp người lao động và doanh nghiệp nhận được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh quá khó khăn, đảm bảo đời sống trước mắt. Nhìn về lâu dài, chúng ta cần những giải pháp để phát triển sản xuất, duy trì việc làm bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động. Đặc biệt rất cần đào tạo, đào tạo lại lao động, việc này chúng ta chưa làm tốt, trong khi đây là giải pháp quan trọng, là chính sách phòng ngừa nguy cơ mất việc cho người lao động.
PV: Theo ông, trong thời gian tới cần những giải pháp ra sao để nâng cao hiệu quả của các gói hỗ trợ
Ông Bùi Sỹ Lợi: Trong quá trình bị tác động bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 cho thấy chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa có một quỹ an sinh xã hội ổn định để chăm lo đời sống cho người dân và giải quyết các vấn đề bất trắc khi xảy ra.
Vấn đề thứ 2, nhìn từ quá trình thực hiện gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ quỹ BHTN khá thuận lợi, nhanh chóng do đã có sẵn dữ liệu. Từ đó có thể thấy, việc cập nhật số liệu về lao động, việc làm là hết sức quan trọng. Chúng ta cần nắm được cơ sở dữ liệu lao động, thông qua dữ liệu trên căn cước công dân để kiểm soát được dữ liệu dân cư, lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển hóa lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
VOV