Vì sao hàng loạt kênh YouTube của người nổi tiếng bị hack?
Thời gian gần đây, hàng loạt các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị hacker tấn công.
- 09-04-2024Các nhà lập pháp Mỹ tiết lộ kế hoạch trao cho người Mỹ quyền riêng tư trên mạng
- 09-04-2024Nóng: Kênh YouTube MixiGaming của Độ Mixi lại tiếp tục bị hack
- 09-04-2024Phòng chống tấn công mã hóa tống tiền: Bảo mật chỉ bằng phần mềm là chưa đủ
Ngày 2/4, kênh YouTube MixiGaming với hơn 7,3 triệu người theo dõi của streamer nổi tiếng Độ Mixi (Phùng Thanh Độ) đã bị hacker tấn công và chiếm quyền điều khiển, sau đó đổi tên kênh thành "Ripple", thay đổi ảnh bìa và ảnh đại diện của kênh. Hacker cũng đã ẩn hết nội dung video và dùng kênh này để livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa.
Kênh MixiGaming của Độ Mixi bị hacker chiếm quyền và phát nội dung quảng cáo tiền mã hóa
Không lâu sau đó, Độ Mixi đã lấy lại được kênh YouTube của mình. Tuy nhiên, do chủ quan của streamer này, kênh YouTube MixiGaming lại một lần nữa bị hacker chiếm quyền trong khi chủ nhân đang đi chơi thể thao.
Cùng ngày, kênh YouTube "Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở Châu Phi" với 3,83 triệu người theo dõi của Quang Linh Vlogs cũng bị chiếm quyền kiểm soát. Trên trang Facebook chính thức, YouTuber này đã thừa nhận 3 tài khoản YouTube thuộc hệ thống kênh của Quang Linh Vlogs đã bị tấn công và chiếm quyền.
Kênh YouTube của Quang Linh Vlogs cũng bị hacker "ghé thăm"
Mới đây nhất, khoảng 1h sáng ngày 9/4, kênh YouTube MixiGaming (@MixiGaming3con) của Độ Mixi một lần nữa bị chiếm quyền kiểm soát và đổi tên thành "SpaceX".
Giống như lần trước, không chỉ tên kênh mà ảnh đại diện, ảnh bìa của kênh cũng đều được thay đổi hoàn toàn. Các video trên kênh đã được thay thế bằng những video về chủ đề phóng tên lửa và du hành không gian. Thậm chí kênh này còn phát livestream video với nội dung xem nhật thực toàn phần. Hiện tại, toàn bộ video trên kênh đã bị ẩn.
Theo Cục An toàn thông tin, việc hacker chiếm đoạt quyền điều khiển của tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như truy cập vào thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và quyền riêng tư của họ. Đối tượng cũng có thể sử dụng tài khoản để gửi tin nhắn lừa đảo hoặc các liên kết độc hại đến danh sách bạn bè của người nổi tiếng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dùng cần tuyệt đối cẩn trọng trong việc bảo mật tài khoản và thông tin cá nhân. Các nhà sáng tạo nội dung nên cẩn trọng với "stream key" (mã sự kiện phát trực tiếp), tránh bị lộ lọt tạo cơ hội cho hacker. Không chỉ đối với người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung hay những người có tầm ảnh hưởng, những người dùng đơn thuần cũng cần thực hiện những thao tác để quản lý chặt chẽ tài khoản của mình. Người dân chỉ nên sử dụng phần mềm có bản quyền.
Cẩn trọng với các email, đường dẫn đáng ngờ, tránh xa các phần mềm lậu và các bản "crack" (mở khoá). Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập qua tin nhắn hoặc email; không đăng nhập tài khoản trên thiết bị lạ. Hình thành thói quen thường xuyên thay đổi mật khẩu, cài đặt mật khẩu mạnh, xác thực 2 bước.
Ngoài ra, người dùng cũng nên cảnh giác trước những tin nhắn vay mượn tiền không chỉ từ người lạ mà cả những người quen biết, người thân trong gia đình. Khi có yêu cầu vay hoặc chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, người dân nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại, tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
VTV