MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao hồ nước thượng nguồn không làm mát lãi suất?

18-05-2019 - 18:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã nửa quý 2/2019 trôi qua nhưng lãi suất huy động VND tại các ngân hàng không hạ, sau khi tăng từ cuối 2018.

Trước thực tế trên, nhìn sang thị trường liên ngân hàng, tại một số thời điểm vẫn có câu hỏi đặt ra: vì sao nước ở hồ thượng nguồn này không chảy hẳn xuống các ruộng đồng để làm mát lãi suất?

Với góc nhìn trên, trực quan so sánh: lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ổn định phổ biến chỉ trong 3 - 4%/năm, thậm chí qua đêm có những lúc chỉ hơn 2%/năm; trong khi đó lãi suất huy động VND các ngân hàng thương mại vẫn khá cao, từ 5 - 9%/năm…

So sánh đó cũng rõ hơn trong tuần này, khi lãi suất VND trên liên ngân hàng có xu hướng giảm mà Ngân hàng Nhà nước phải đẩy mạnh điều tiết qua tăng lượng phát hành tín phiếu hút tiền về, nhưng lãi suất huy động VND vẫn chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt.

BizLIVE tham vấn một lãnh đạo ngân hàng thương mại, góc nhìn và kỹ thuật của dòng chảy trên lại khác.

“Có thể với nhiều người, thông thường họ xem nguồn vốn và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng là thượng nguồn. Nhưng không phải vậy. Hai kênh khá độc lập, vì có vai trò và mục đích khá độc lập. Thậm chí, nếu nói hình ảnh như trên thì nguồn vốn huy động từ dân cư và lãi suất trên thị trường giao dịch với dân cư và tổ chức kinh tế mới là thượng nguồn”, vị lãnh đạo trên tư vấn.

Cụ thể, thị trường liên ngân hàng có chức năng điều hòa vốn ngắn hạn trong hệ thống, hỗ trợ thanh khoản với các kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, thị trường giao dịch giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế rộng lớn hơn, còn gắn với tín dụng có cơ cấu trung dài hạn khá lớn (tỷ trọng trên 50%).

Vậy thì, không thể lạm dụng nguồn ngắn hạn để điều hòa, làm mát được nơi có tỷ trọng trung dài hạn lớn.

Thứ nữa, yếu tố nguồn qua quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng nhỏ hơn, chỉ khoảng vài trăm nghìn tỷ mang tính thời điểm, khó có thể tác động rõ nét đối với quy mô khoảng 7,4 triệu tỷ đồng tín dụng ở thị trường ngân hàng với dân cư và tổ chức, hay với hơn 8 triệu tỷ đồng nguồn vốn huy động.

“Nói một cách hình ảnh, một thùng nước nhỏ thì khó làm mát được một cỗ máy lớn đang căng guồng”, vị lãnh đạo trên nói.

Qua những phân tích trên, vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, góc nhìn hợp lý hơn thì cần xem thị trường giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế mới chính là hồ nước thượng nguồn, có khả năng điều hòa lãi suất trên liên ngân hàng.

Theo đó, nếu ngân hàng huy động tốt nguồn tiền gửi dân cư và tổ chức, vốn khả dụng và thanh khoản tốt thì lãi suất trên liên ngân hàng khó mà dâng cao, do nhu cầu bù đắp thanh khoản hệ thống hạn chế đi.

Vấn đề chung trong câu chuyện “làm mát” lãi suất ở đây nằm ở chỗ: các ngân hàng có đang huy động tốt, thuận lợi và có tốc độ tăng trưởng cao từ nguồn dân cư và tổ chức không?

Khoảng một năm trở lại đây, tốc độ huy động vốn của hệ thống có dấu hiệu chậm hơn tăng trưởng tín dụng. Nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng không tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước.

Vậy điều đó có bất lợi hay tiêu cực không?

Vị lãnh đạo trên cho đây là câu hỏi khó, vì tùy thuộc vào những cấu phần trên thị trường.

Đó là, nếu nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường hay các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, thậm chí tự doanh… gia tăng động lực và thu hút nguồn vốn, kênh gửi vào ngân hàng bị chia sẻ. Nếu vậy, cân đối này trở nên tích cực, vì xét theo việc gửi vào ngân hàng là một trong những cách đơn giản và “dễ” nhất; và nguồn tiền đi theo gia tăng động lực các hoạt động trong nền kinh tế đó thì có thể giảm thiểu yếu tố và chi phí trung gian, có sức lan tỏa trực tiếp hơn tín dụng.

Nhưng nếu nhìn ở một cấu phần khác, nguồn vốn vào ngân hàng không tăng trưởng cao được như trước do các kênh khác thu hút như cho vay ngang hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí tín dụng đen, thì vẫn còn phân vân trong các quan điểm, nhất là nhìn về khía cạnh và mức độ rủi ro so với gửi ngân hàng.

“Tóm lại, trong nền kinh tế phần lớn nguồn tiền và dòng tiền vẫn nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Để thu hút, khi mà có thêm cạnh tranh từ những kênh khác, các ngân hàng thường sử dụng công cụ lãi suất. Cạnh tranh và sự chia sẻ càng lớn, lãi suất huy động ngân hàng càng khó giảm”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Mặt khác, với nội tại hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc thù đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn cho nền kinh tế khá lớn (tỷ trọng chiếm trên 50% tổng dư nợ), áp lực thanh khoản trong cân đối nguồn (do huy động vẫn chủ yếu nguồn ngắn hạn) cũng góp thêm yếu tố khiến lãi suất huy động khó giảm.

Theo Minh Đức

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên