Vì sao khách bay nội địa giảm, quốc tế tăng mạnh?
Theo Cục Hàng không, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó khách quốc tế tăng tới hơn 176% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ đường bay thường lệ quốc tế được mở từ ngày 1/1/2022.
Số liệu từ Cục Hàng không cho thấy, tới tháng 3/2022, thị trường nội địa có 6 hãng hàng không khai thác trung bình từ 55-60 đường bay. Lượng khách nội địa trong 3 tháng đầu năm đạt khoảng 13 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 98 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ.
Lượng khách nội địa qua đường hàng không quý 1 năm nay giảm so với cùng kỳ được lý giải do giai đoạn trước Tết Nguyên đán dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giám sát y tế chặt chẽ với khách từ tỉnh thành khác tới. Điều này đã hạn chế khách đi lại. Khi các quy định này được gỡ bỏ những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu khách đi lại mới khôi phục dần.
Với vận chuyển khách quốc tế , từ ngày 1/1/2022 Việt Nam bắt đầu khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ, và từ ngày 15/3 đã gỡ bỏ các rào cản với khách quốc tế nhập cảnh (khôi phục quy định khách nhập cảnh như giai đoạn chưa có dịch COVID-19).
Tính đến tháng 3/2022, thị trường hàng không quốc tế có 23 hãng hàng không trong và nước ngoài khai thác đường bay thường lệ kết nối với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 67 đường bay. So với giai đoạn năm 2019 (trước dịch COVID-19), còn 8 quốc gia chưa khôi phục lại các đường bay thường lệ với Việt Nam, gồm: Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 321 nghìn khách, tăng tới hơn 176% so với cùng kỳ 2021; hàng hóa quốc tế thông qua đạt 292 nghìn tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển trên 141 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 441% so với cùng kỳ 2021 (chiếm 44% thị phần); vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 38 nghìn tấn, tăng hơn 113% so với cùng kỳ.
Thị trường hàng không Việt Nam bắt đầu hồi phục mạnh mẽ sau khi các chính sách mở cửa với khách nội địa và quốc tế được áp dụng.
Tới nay, Singapore là thị trường có tần suất bay cao nhất với 45 chuyến khứ hồi/tuần, trong khi đường bay đi/đến Nhật Bản có lượng khách tấp nập nhất với trên 10 nghìn khách (chiếm 18% tổng khách bay quốc tế).
Dự kiến từ tháng 4 tới sẽ có thêm các đường bay thường lệ từ Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đến Đà Nẵng.
Cục Hàng không đánh giá, từ ngày 15/3 (với Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ) Việt Nam đã gỡ bỏ nhiều rào cản, hạn chế với khách quốc tế nhập cảnh, điều này đã tạo điều kiện cho khách quốc tế đi lại, góp phần tăng sản lượng khách và hàng hoá. Tuy nhiên, ngành hàng không hiện gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao , tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không.
Riêng với đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Nga do Vietnam Airlines khai thác đã tạm dừng từ ngày 25/3, theo Cục Hàng không, việc dừng khai thác này là bất khả kháng, để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Cục Hàng không cho biết, đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị có văn bản gửi Bộ GTVT Nga, cũng như đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan liên quan của Nga về lý do Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay với Nga.
Đồng thời Cục Hàng không Việt Nam cũng có văn bản gửi Nhà chức trách hàng không Nga để thông báo cụ thể về nội dung trên, và sẵn sàng cấp phép khai thác cho các hãng hàng không Nga khai thác đến Việt Nam khi có đề nghị.
Tiền phong