Vì sao khách quốc tế đổ xô đến Việt Nam nhưng không... tiêu tiền?
Du khách quốc tế tới Việt Nam, họ không tìm thấy những sản phẩm giá trị và đa dạng để mua sắm, không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.
- 09-03-20234 tin mừng đằng sau số liệu vĩ mô Việt Nam sau Tết: Khách quốc tế tăng cao kỷ lục, thặng dư thương mại tăng gấp đôi bình quân tháng của năm 2022
- 02-03-2023Tàu du lịch cao cấp đưa hơn 600 khách quốc tế đến Nha Trang
- 01-03-2023Khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 36 lần
Thiếu 2 loại hình
Tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/3, “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - chỉ ra những bất cập trong việc tăng trưởng khách quốc tế và tăng chi tiêu của du khách thời gian qua.
Dẫn thống kê từ World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2008 - 2019, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, nếu xét về số lượt khách du lịch quốc tế hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên vị trí số 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.
Với Thái Lan, tốc độ tăng trưởng tương đương Việt Nam và luôn dẫn đầu tại các nước Đông Nam Á. Lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu khách quốc tế còn thấp hơn, chỉ bằng 40%. Tương tự, nếu so sánh với Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
“Như vậy, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được xem xét một cách nghiêm túc. Khoảng cách của Việt Nam so với các nước đã đặt ra những câu hỏi. Các nước này có những yếu tố nào để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch và vừa tăng trưởng về chi tiêu của du khách trong những năm qua?”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt vấn đề.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.
Để trả lời những câu hỏi trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, trong các loại hình du lịch, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa. Còn với 2 xu hướng mới về du lịch là du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm, giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế.
“Vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn đề xuất, cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, du lịch sức khỏe là một trong những loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Theo báo cáo của Global Wellness Institute, quy mô du lịch sức khỏe năm 2020 là 436 tỷ USD và dự báo tăng lên tới 1.128 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là một trong những thị trường mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. Nếu Việt Nam ưu tiên phát triển thị trường này, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới.
"Móc hầu bao" du khách thế nào?
Trên thực tế, sau khi du khách quốc tế tới Việt Nam, vẫn còn nhiều ý kiến về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị và đa dạng để du khách mua sắm, không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.
Nhìn ra nước ngoài, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá Singapore, Thái Lan… là những điểm đến đang làm rất tốt việc “móc hầu bao” du khách. Đơn cử, Singapore có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc. Với hạn chế về thiên nhiên ưu đãi, họ chọn “đánh thật mạnh” 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.
Theo ông Hạnh Nguyễn, Singapore có thể trở thành thiên đường mua sắm vì đây là đảo quốc miễn thuế. Với lợi thế đó, đảo quốc này đã hình thành các trung tâm mua sắm quy mô cỡ lớn, các cửa hàng thương hiệu từ cao cấp tới trung cấp. Với mức độ phong phú về số lượng trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế, họ đã hút được lượng lớn khách tới với mục đích du lịch mua sắm là chính.
Du khách tham quan TPHCM.
Ngoài ra, với vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế, họ còn tổ chức mạnh các hoạt động về du lịch công việc thông qua việc xây dựng các khu phức hợp các trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp giải trí, casino... Kết quả, mặc dù diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc, nhưng số lượng khách quốc tế đến Singapore và tổng chi tiêu trung bình của 1 du khách tại Singapore vượt rất nhiều so với Việt Nam .
Tương tự, Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam nhưng khoảng cách ngành du lịch 2 nước còn rất lớn. Nguyên nhân, Thái Lan tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách. Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang… Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020.
“Nhìn vào các số liệu trên, chúng ta có thể thấy tác động đến vĩ mô của chính sách miễn thuế không những mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư mà việc du khách nội địa được mua sắm miễn thuế tại các khu thương mại tự do hoặc phi thuế quan… còn giữ lại được ngoại tệ trong nước, hạn chế dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài.” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Tiền phong