MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao khối ngoại tích cực ''gom'' cổ phiếu ngân hàng trong những ngày đầu năm?

08-02-2022 - 15:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng cổ phiếu ngân hàng trong tháng 1 và đầu tháng 2. Trước đó, nhiều chuyên gia đến từ các quỹ ngoại đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm ''cổ phiếu vua'' trong năm 2022.

Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (7/2/2022) chứng kiến diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có tới 16/27 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM đóng cửa trong sắc xanh.

Bên cạnh diễn biến giá, dòng ngân hàng cũng hút tiền mạnh với thanh khoản cao hơn nhiều so với các phiên trước tết, các mã STB, MBB, SHB, CTG và LPB đều có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị.

Vì sao khối ngoại tích cực gom cổ phiếu ngân hàng trong những ngày đầu năm? - Ảnh 1.

Một điểm sáng nữa là khối ngoại đã đẩy mạnh ''gom hàng'' tại một loạt ''cổ phiếu vua'' trong phiên mở cửa đầu năm mới Nhâm Dần. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1,6 triệu cổ phiếu CTG, hơn 1,1 triệu cổ phiếu STB, 860.000 cổ phiếu HDB, 485.000 cổ phiếu HDB và 540.000 cổ phiếu LPB.

Đáng chú ý, khối ngoại cũng đảo chiều mua ròng trở lại hơn 200.000 cổ phiếu VIB sau một số phiên bán ròng trước kỳ nghỉ lễ.

Tính đến hết ngày 7/2, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại VIB đã tăng lên gần 20,49%, tiệm cận mức giới hạn 20,5%. Như vậy, trong phiên 8/2, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn được phép mua thêm tối đa gần 232.000 cổ phiếu VIB.

Được biết, VIB đã chốt ''room ngoại'' ở mức 20,5% trước khi lên thị trường UPCoM vào năm 2017 và liên tục duy trì giới hạn này suốt từ đó đến nay. Việc khóa ''room'' ngoại thấp hơn nhiều so với mức tối đa theo quy định (30%) khiến cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là khá thấp.

Đặc biệt, cổ phiếu VIB càng trở thành ''hàng hiếm'' khi cổ đông chiến lược CommonwealthBank of Australia đã nắm giữ 20% vốn, số cổ phiếu còn lại mà các nhà đầu tư nước ngoài khác được phép sở hữu chỉ chưa đầy 7,8 triệu đơn vị.

Cố phiếu ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của của Fiintrade, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.960 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng theo phương thức khớp lệnh trong tháng 1/2022. Đây cũng là nhóm được khối ngoại giải nhân nhiều nhất trong tháng đầu năm.

Động thái chuyển hướng gom ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng trở lại dẫn dắt thị trường trong tháng 1 với hàng loạt cổ phiếu tăng giá mạnh.

Trước đó, nhiều chuyên gia phân phân tích đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022.

Chia sẻ tại talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" do VIB và SSI tổ chức mới đây, bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital cho biết quỹ ngoại này đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong rổ chỉ số VN-Index do tự tin vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành này.

Theo bà Dương, tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn nhờ vào tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ, nhất là khi nền kinh tế quay trở lại ổn định sau giãn cách xã hội. Hơn nữa, nguồn thu nhập của ngân hàng ngày càng trở nên đa dạng hơn, không chỉ đến từ cho vay mà còn đến từ nguồn thu phí dịch vụ với sản phẩm ngày càng trở nên đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của nhóm khách hàng bán lẻ.

Trong báo cáo mới đây, quỹ ngoại VinaCapital dẫn kết quả điều tra mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý IV/2021, các ngân hàng tại Việt Nam đánh giá tình hình kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt so với quý III. Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa trong quý I/2022 và cả năm 2022.

"Rủi ro tín dụng được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022", nhóm phân tích của VinaCapital đưa quan điểm.

https://cafef.vn/vi-sao-khoi-ngoai-tich-cuc-gom-co-phieu-ngan-hang-trong-nhung-ngay-dau-nam-20220208143418435.chn

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên