MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao không điều chỉnh mức lương bình quân tính lương hưu khi sửa đổi Luật BHXH?

Cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH có yếu tố quyết định đối với công thức tính lương hưu, tác động trực tiếp đến quyền lợi người tham gia và khả năng cân đối quỹ BHXH

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định được tính trên bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu.

Cụ thể, nếu người lao động tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ 1-1-1995 đến 31-12-2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối; Tham gia BHXH từ 1-1-2001 đến 31-12-2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối; Tham gia BHXH từ 1-1-2007 đến 31-12-2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối;

Tham gia BHXH từ 1-1-2016 đến 31-12-2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối; Tham gia BHXH từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; Tham gia BHXH từ 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Vì sao không điều chỉnh mức lương bình quân tính lương hưu khi sửa đổi Luật BHXH?- Ảnh 1.

Lương hưu của người lao động khu vực ngoài nhà nước được tính trên mức lương bình quân tháng đóng BHXH của cả quá trình tham gia

Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian...

Trước khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6 vừa qua, trong các buổi góp ý, một số ý kiến cho rằng dù không tính cả quá trình đóng nhưng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần của người lao động khu vực nhà nước cũng không cao do đóng trên nền hệ số lương, lương cơ sở thấp, trong khi hệ số trượt giá được tính không tương xứng. Do vậy, cần điều chỉnh tăng hệ số trượt giá để cải thiện mức hưởng cho người lao động.

Bên cạnh đó, có ý kiến nhận định chưa có sự công bằng giữa cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp (ngoài nhà nước). 

Đặc biệt, do được tính trên bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia, trong khi thời điểm trước năm 2009 lương của người lao động khu vực doanh nghiệp rất thấp (do chưa có quy định về lương tối thiểu vùng), dẫn đến dù có thời gian đóng BHXH dài nhưng mức lương hưu mà người lao động nhận được không đủ sống. 

Các đại biểu đề xuất chỉ nên tính bình quân mức đóng của 20 năm cuối cùng đối với người tham gia BHXH trước năm 2014. Với người tham gia BHXH từ năm 2015 trở đi sẽ tính trên cả quá trình đóng.

Vì sao không điều chỉnh mức lương bình quân tính lương hưu khi sửa đổi Luật BHXH?- Ảnh 2.

Do mức đóng thấp nên lương hưu của người lao động khu vực nhà nước cũng không cao

Tuy nhiên, tại Luật BHXH sửa đổi vừa được thông qua, quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần vẫn cơ bản giữ nguyên như Luật BHXH năm 2014.

Lý giải điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay tại các báo cáo của Chính phủ về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH và về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 nêu rõ việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ theo lộ trình phù hợp với thực tế, chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở, hệ số lương và không có sự biến động, thay đổi lớn dẫn đến việc phải điều chỉnh ngay cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần.

Bên cạnh đó, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần là yếu tố có tính chất quyết định đối với công thức tính lương hưu; tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia và khả năng cân đối quỹ BHXH. Do đó, việc thay đổi cần được có đánh giá toàn diện, tổng thể. Trong khi chưa đánh giá được tác động của việc thay đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội được giữ quy định như dự thảo Luật đề xuất.

Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (Điều 73 Luật BHXH sửa đổi năm 2024)

1. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:

a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1- 2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí;

b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Theo Hương Huyền

Người lao động

Trở lên trên