MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao lao động nước ngoài vẫn đổ xô đến một thành phố châu Âu 700 năm tuổi này mặc cho mùa đông dài và khắc nghiệt?

03-01-2024 - 21:04 PM | Tài chính quốc tế

Đường phố Vilnius về đêm. (Ảnh: CNBC)

Đường phố Vilnius về đêm. (Ảnh: CNBC)

Lithuania là một đất nước bé nhỏ với diện tích chỉ khoảng 65.000 km2, nằm bên bờ biển Baltic thuộc Bắc Âu.

Khi anh trai của Ricardo Schmitz đến thăm anh ở thành phố Vilnius, Lithuania, cả hai đã đi dạo vào mùa đông vào lúc nửa đêm – điều mà họ sẽ không bao giờ làm được khi ở quê nhà Brazil.

Schmitz nói với CNBC Travel: “Anh trai tôi chưa từng thấy tuyết từ khi còn nhỏ nên anh ấy cực kỳ phấn khích. Chúng tôi đi bộ từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Đối với tôi, điều này là vô giá.”

Schmitz đến Vilnius lần đầu tiên vào năm 2018 với tư cách là sinh viên trao đổi trong một chương trình du học. Sau đó, anh quay trở lại Vilnius vào năm 2020 và hiện làm cố vấn cấp cao cho Deloitte kiêm giảng viên về luật tài chính và thuế tại Đại học Mykolas Romeris của Lithuania. Anh nói: “Khi tôi trở lại đây, tôi có cảm giác yên bình như đang ở nhà và vẫn sẽ ở lại đây trong tương lai gần”.

Theo truyền thông địa phương, Schmitz là một trong số nhiều người nước ngoài sống ở Lithuania – nơi chứng kiến lượng người tăng từ khoảng 145.000 vào năm 2022 lên hơn 200.000 vào năm 2023.

Các tổ chức do chính phủ tài trợ, như Work in Lithuania và Invest Lithuania, đặt mục tiêu thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao cũng như vốn đầu tư.

Với dân số chỉ 2,8 triệu người, Lithuania đang thiếu nhân tài trong nước để thúc đẩy các ngành tài chính và công nghệ đang phát triển của đất nước.

Những người trẻ như Schmitz bị thu hút bởi những cơ hội nghề nghiệp này. Trong một cuộc khảo sát với 1.300 sinh viên nước ngoài hiện đang học tại Vilnius, 42% cho biết họ có thể nhìn thấy cuộc sống của mình sau khi tốt nghiệp ở đây.

Schmitz cho biết: “Tôi bắt đầu với tư cách là một thực tập sinh, sau đó là cố vấn và hiện tại đang ở vị trí cấp cao. Bởi vì ở đây là một thị trường nhỏ nên bạn có nhiều cơ hội hơn và điều đó giúp bạn phát triển”.

Thời gian xử lý thị thực tại Lithuania giảm từ 8 tháng xuống chỉ còn 1 tháng. Thậm chí, quốc gia châu Âu 700 năm tuổi này còn trao một khoản trợ cấp nhập cảnh trị giá 3.444 Euro (khoảng 91 triệu VND) cho người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề mà đất nước cần. Theo Work in Lithuania, khoảng 400 khoản phụ cấp đã được trao từ trước đến nay.

Lithuania có 15 ngày nghỉ lễ mỗi năm – cao thứ hai trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu. Theo chỉ số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ 1% nhân viên làm việc nhiều giờ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10%.

OECD cũng xếp Lithuania đứng thứ 11 về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trên cả Thụy Sĩ và Hungary.

Johanna, đến từ Jakarta, cho biết: “Công ty của tôi ở đây khuyến khích mọi người tận dụng hết kỳ nghỉ của mình. Điều đó rất khác với văn hóa làm việc ở Indonesia nơi tôi sinh sống”. “Không khí ở đây cũng đặc biệt tốt và Vilnius cũng rất dễ đi bộ”, cô cho biết thêm.

Laura Guarino chuyển từ Ý đến Vilnius vào năm 2021, cũng thông qua một chương trình du học. Cô cho biết mình rất vui khi được nói lời tạm biệt với giao thông đông đúc ở Naples. Ở đây, cô chỉ mất 10 phút để đi tới văn phòng của mình.

Cả Guarino, Schmitz và Johanna đều cảm thấy việc hòa nhập rất dễ dàng vì hầu hết người dân địa phương đều thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, Vilnius không còn là thành phố giá rẻ như xưa nữa. Guarino và Johanna cho biết chi phí thuê nhà, hóa đơn và đồ tạp hóa không hề rẻ hơn so với ở quê nhà. Cả ba cũng đang phải thích nghi với mùa đông kéo dài và khắc nghiệt ở Lithuania.

Nguồn: CNBC

Yến Nguyễn

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên