MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao lao động phi chính thức chưa mặn mà với BHXH tự nguyện?

18-04-2024 - 14:03 PM | Xã hội

BHXH tự nguyện hiện chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất trong khi tỉ lệ đóng cao nên khó thu hút lao động phi chính thức tham gia.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11-2023, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước là 1,508 triệu người trong khi số lao động tự do tại Việt Nam là rất lớn.

Lý giải nguyên nhân lao động tự do không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện, nhiều ý kiến cho rằng một phần xuất phát từ việc người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện phải đóng đến 22% mức thu nhập tháng. Dù họ được chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng song nếu chọn mức đóng quá thấp thì mức hưởng không đáng kể còn chọn mức đóng đúng với thu nhập thực tế thì mỗi tháng họ mất gần 1/4 thu nhập chỉ để đóng BHXH.

 Trong khi đó, chính sách thụ hưởng lại chênh lệch quá lớn so với BHXH bắt buộc, không có các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc thiếu các chế độ ngắn hạn đã khiến nhóm tự nguyện cảm thấy phải chờ đợi rất lâu mới được hưởng thành quả.


Vì sao lao động phi chính thức chưa mặn mà với BHXH tự nguyện?- Ảnh 1.

Vì những lý do đó mà nhiều lần được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện nhưng ông Nguyễn Văn Thắng (đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm quận 10) vẫn chần chừ chưa tham gia. Ông Thắng cho rằng ai cũng muốn có lương hưu nhưng hiện tại, với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày chỉ vừa đủ ăn và đóng tiền nhà trọ thì việc dành ra 22% thu nhập hàng tháng để tham gia BHXH hội gần như không thể.

Vì vậy, góp ý cho Luật BHXH (sửa đổi) thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng cần cần bổ sung chính sách BHXH ngắn hạn đối với BHXH tự nguyện, đặc biệt là thực hiện chính sách thai sản.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dù dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện nhưng mức hưởng như đề xuất (2 triệu đồng cho một con) quá thấp, không đủ hấp dẫn người lao động. Theo bà Hương, để thúc đẩy tham gia nhóm này, thì cần phải cải cách các chính sách BHXH tự nguyện theo hướng mở rộng các chế độ của BHXH tự nguyện bảo đảm bình đẳng về chính sách thụ hưởng đối với 2 khu vực. Cụ thể là cần bổ sung các chính sách BHXH ngắn hạn (thai sản, ốm đau…) vào chế độ BHXH tự nguyện để họ thấy được lợi ích gần khi tham gia BHXH.

Về vấn đề này, đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng cho rằng cần bổ sung thêm một số chế độ đối với lao động tham gia BHXH tự nguyện, nhất là lao động nữ như chế độ khám khai (ít nhất 4 lần trong thời gian mang thai). Ngoài ra, về mức hưởng trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện không nên quy định số tiền cụ thể mà chuyển thành tỷ lệ % hệ số lương cơ sở hoặc tính theo mức thu nhập đóng BHXH của người tham gia.

Theo N. Hoàng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên