Vì sao lợi nhuận của Eximbank giảm mạnh trong quý 1?
So với kế hoạch lợi nhuận đặt ra cả năm thì hết quý 1 ngân hàng mới đạt được 10%.
- 04-05-2021Lợi nhuận quý 1/2021 Eximbank giảm hơn một nửa so với cùng kỳ
- 27-04-2021Chủ tịch Eximbank nói gì về việc ngân hàng liên tục ĐHCĐ bất thành?
- 26-04-2021Căng thẳng leo thang ở Eximbank: Cổ đông lớn đề nghị miễn nhiệm gần hết các thành viên HĐQT
Như chúng tôi đã thông tin, tại báo cáo tài chính quý 1/2021 vừa công bố, Eximbank báo lãi trước thuế 3 tháng đầu năm ở mức 214 tỷ đồng, giảm tới hơn 53% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản tăng 0,3% đạt 160.953 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,2% lên 105.032 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,7% đạt 136.146 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,52% lên 2,64%.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh, Eximbank cho biết là do ngân hàng thực hiện tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, bên cạnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến cho một số kế hoạch thu từ hoạt động xử lý nợ không đạt như dự kiến.
Cụ thể, tính đến ngày 31/03/2021 Eximbank đã hoàn tất việc thanh toán trái phiếu đặc biệt VAMC mệnh giá 8.025 tỷ đồng và xóa sạch nợ xấu gửi tại Công ty Quản lý Tài sản VAMC.
"Trong những năm gần đây, Eximbank đã nỗ lực không ngừng về công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt chú trọng xử lý các khoản nợ xấu bán cho VAMC. Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để thu hồi nợ, tăng cường công tác xử lý tài sản của khách hàng có khoản nợ xấu. Từ đó, tạo ra nguồn lực cần thiết để Eximbank tất toán trước hạn toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC" - thông tin từ ngân hàng cho biết.
Thực tế, trong khoảng thời gian nắm giữ trái phiếu đặc biệt và thực hiện theo ủy quyền của VAMC, Eximbank đã xử lý thu hồi được nợ gốc và lãi bán VAMC số tiền 4.940 tỷ đồng; dự phòng trái phiếu VAMC đã trích lập 4.270 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, việc thanh toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước hạn là nỗ lực rất lớn và có ý nghĩa rất đặc biệt với ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu và là tiền đề quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh về sau.
Eximbank lên kế hoạch lợi nhuận 2.150 tỷ đồng trong năm nay, tăng 63% so với năm trước. Tuy nhiên kế hoạch này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được cổ đông thông qua do đại hội cổ đông thường niên 2021 của nhà băng này hôm 27/4 vừa qua không thể diễn ra do chỉ có các cổ đông đại diện cho 41,65% số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp, không đủ túc số cần thiết theo quy định.
Trước đó 1 ngày là 26/4, nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 song cũng thất bại do các cổ đông không thông qua quy chế họp ĐHCĐ dù tỷ lệ dự họp lên tới gần 100%.
Trong 6 năm trở lại đây, Eximbank vẫn đều đặn đại hội cổ đông thường niên và bất thường nhưng chỉ có 1 lần duy nhất đại hội diễn ra suôn sẻ đó là vào tháng 4 năm 2018. Thời gian qua, do "thượng tầng" hội đồng quản trị của Eximbank vẫn bất đồng, các cổ đông lớn chưa đồng thuận đã ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả hoạt động và đang khiến cho ngân hàng này bị bỏ lại phía sau khá xa so với các ngân hàng bạn cùng phân khúc và quy mô.
Nhịp sống kinh tế