Vì sao một công ty Việt được chọn làm đối tác của loạt ‘ông lớn’ Google, Atlassian và HubSpot?
Sau khi thu hút sự chú ý của thị trường, lần lượt được các hãng công nghệ quản trị lớn trên thế giới (Atlassian, HubSpot) phê duyệt vai trò đối tác, công ty Việt Nam AgileOps tiếp tục… “ghi bàn”. Mới nhất, AgileOps đã được Google chọn làm đối tác phân phối các giải pháp Google Workspace tại Việt Nam.
Khi hoạt động doanh nghiệp, có nhu cầu sử dụng các giải pháp công nghệ phục vụ công việc, nhiều công ty đã phải mua từ nước ngoài - với nhiều trở ngại trong khâu giao tiếp, hỗ trợ.
Hiện tại, bài toán trên đã trở nên dễ giải hơn rất nhiều, khi có một công ty tại Việt Nam lần lượt được các “ông lớn” công nghệ Atlassian, HubSpot, và mới nhất là Google, chọn làm đối tác chính thức phân phối, tư vấn, hỗ trợ sản phẩm.
Để làm rõ hơn khả năng của công ty Việt “cung cấp giải pháp ESM tất cả trong một” này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn cụ thể với ông Ngô Hùng Kiệt - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của AgileOps.
Xin chúc mừng AgileOps với tin vui được Google phê duyệt thành đối tác chính thức phân phối các gói sản phẩm Google Workspace. Tới thời điểm này, AgileOps đã là đối tác của nhiều hãng lớn tại Việt Nam, từ Atlassian, HubSpot cho tới Google. Vì sao anh và ê-kíp cộng sự lại có quyết tâm để “chơi lớn” như vậy? Phải chăng, đó được xem như một… “KPI” danh tiếng?
Ông Ngô Hùng Kiệt: Tôi xin khẳng định, việc trở thành đối tác của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn hoàn toàn không phải để “chạy KPI” về danh tiếng!
Khi tiến bất kỳ bước nào, AgileOps cũng nghĩ tới việc phục vụ khách hàng, để bước tiến đó phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Một khi bước đúng, thì chúng tôi sẽ nhận được hiệu quả kinh doanh.
Với vai trò là một công ty chuyên về công nghệ, quản trị và Marketing, AgileOps có định hướng cung cấp giải pháp ESM (Enterprise Service Management) toàn diện cho các doanh nghiệp Việt.
Việc trở thành đối tác của Atlassian, HubSpot, Google chính là để phục vụ định hướng ESM nói trên.
Ông có thể phân tích rõ hơn được không?
Vâng!
ESM giúp tối ưu hóa và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, tương tác giữa các phòng ban trong doanh nghiệp, cũng như cải thiện hiệu suất tổ chức bằng cách thống nhất quy trình và giao tiếp nội bộ. Điều này giúp doanh nghiệp tổ chức và triển khai các dịch vụ của mình một cách hiệu quả và nhất quán hơn.
Để có giải pháp ESM tối ưu cho các phòng ban của doanh nghiệp, thì việc có trong tay các bộ sản phẩm của Atlassian, HubSpot, Google sẽ giúp cho chúng tôi dễ dàng hiện thực hóa điều đó.
Trong đó, Google Workspace đáp ứng các yêu cầu về email và bộ ứng dụng văn phòng. Còn các dịch vụ HubSpot dùng để phục vụ khối Truyền thông và Marketing, cũng như kinh doanh.
Việc quản lý dự án, cổng thông tin dịch vụ được các sản phẩm của Atlassian đáp ứng hoàn hảo.
Tóm lại, AgileOps muốn tìm giải pháp ESM toàn diện, “tất cả trong một” cho các phòng ban của doanh nghiệp!
Việc được phê duyệt làm đối tác của Atlassian rất khó. Còn với Google thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc trở thành đối tác của Google dễ hơn, nếu so với những điều kiện khó khăn, ngặt nghèo của Atlassian. Duy chỉ có thời gian ký hợp đồng với Google thì bị lâu một chút mà thôi.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất sắp tới là AgileOps sẽ phải khai thác vị thế đối tác chính thức này một cách hiệu quả.
Trước khi thành đối tác của Google, AgileOps đã là cái tên hiếm hoi tại Việt Nam được công nhận là đối tác chính thức của Atlassian. Nay, có thêm Google, AgileOps sẽ hướng tới việc “song kiếm hợp bích” 2 nền tảng ứng dụng doanh nghiệp rất mạnh này.
Trong đó, chắc chắn chúng tôi sẽ có những gói kết hợp cả Atlassian và Google để khách hàng là các doanh nghiệp Việt nhận được ưu đãi % đáng kể hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng đang dùng 1 trong 2 gói (Atlassian hoặc Google, riêng rẽ), nên khi có thêm lựa chọn hấp dẫn như vậy, họ sẽ quan tâm.
Ông vừa nói về vị thế của một đối tác mạnh. Đó cũng là điểm sáng rất đáng nói của AgileOps. Nhờ đâu mà AgileOps giành được sự công nhận như vậy?
Đây là niềm vui, giúp cá nhân tôi nói riêng, AgileOps nói chung, xem năm 2023 là một năm thực sự thắng lợi.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở thành đối tác chính thức của Atlassian, thì vào tháng 1/2023, AgileOps đã được nhận cấp độ bạc. 10 tháng sau, vào tháng 12/2023, chúng tôi được Atlassian thăng hạng lên cấp độ vàng.
Tới giờ, ở thời điểm đầu năm 2024, AgileOps tiếp tục tiến thêm một bước tích cực nữa, khi lọt vào nhóm “Top 3” của giải thưởng Atlassian Partner of the Year 2023: Rising Star - Giải thường niên ghi nhận sự đóng góp của các đối tác phát triển tốt.
Đó là chưa kể tới việc chúng tôi được HubSpot, Google phê duyệt tư cách đối tác chính thức, như đã từng đề cập.
Thực sự phải nói, là một đối tác mới vào, thì việc kinh doanh luôn rất khó khăn. Sở dĩ AgileOps có những bước tiến như vậy, phần là nhờ đội ngũ của chúng tôi đã quy tụ được các chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực ESM, Atlassian, giải pháp quản trị…, phần là nhờ AgileOps thực sự đầu tư vào Marketing mạnh, chuyên nghiệp, tập trung trao giá trị (Inbound Marketing).
Với những kết quả tích cực đó, đội ngũ nhân sự của AgileOps cảm thấy hào hứng như thế nào, khi công ty đang có đa dạng sự lựa chọn (Atlassian, HubSpot, Google) để cung cấp cho khách?
Phải nói là mọi người đều rất hào hứng, khi có tư cách, có nhiều sản phẩm, dịch vụ tên tuổi để tư vấn và cung cấp giải pháp cho khách hàng (là các doanh nghiệp Việt).
Trên hết, nhân sự AgileOps hiểu rằng, công ty không bị phụ thuộc vào một thương hiệu nào cả, mà luôn sẵn sàng trở thành đối tác chất lượng cho bất kỳ tập đoàn công nghệ có nhu cầu tìm kiếm đối tác phân phối, tư vấn, hỗ trợ.
Đó chính là niềm tin về một sự phát triển bền vững, đi đường dài.
Có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, thậm chí là doanh nghiệp cỡ lớn, nhưng vẫn chưa ứng dụng các giải pháp quản trị chuyên nghiệp, hoặc ứng dụng rồi song… chưa tới.
Ông có lời khuyên nào để họ nhận ra vấn đề?
Đúng vậy!
Khi tư vấn cho các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy có nhiều bất cập trong hệ thống CNTT khiến nhân viên vẫn phải làm thủ công.
Theo tôi, vấn đề chính nằm ở tư duy của bộ máy lãnh đạo/quản lý: Đó là khi họ bỏ chi phí ra mua gói giải pháp, thì họ thường nghĩ rằng, như thế nghĩa là các bài toán trước đây tự động phải được giải quyết trơn tru hết.
Thực tế thì không phải thế!
Khách hàng mua giải pháp xong rồi, thì họ còn cần phải hiểu giải pháp đó, thiết lập cài đặt đáp ứng nhu cầu riêng của họ.
Trong trường hợp chưa hiểu rõ, chưa thiết lập được cài đặt, doanh nghiệp phải dùng thêm giải pháp tư vấn của bên bán phần mềm.
Ở nước ngoài, đó là điều rất bình thường: Khi anh mua sản phẩm có giá 10 đồng, thì anh sẵn sàng chi thêm 3-4 đồng phí tư vấn. Từ đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ sử dụng giải pháp quản trị một cách trơn tru, hiệu quả.
Như vậy, có thể nói rằng, AgileOps vừa bán, vừa tư vấn, lại vừa có thể “tinh chỉnh” các giải pháp Atlassian, HubSpot và Google cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp Việt?
Chính xác là như thế!
AgileOps tập trung vào 3 mảng chính, là:
“Resell software”: Giá cạnh tranh và minh bạch nhất (không phụ phí, bằng với giá công khai); Hợp pháp; Quy trình bán hàng nhanh chóng, chất lượng dịch vụ hướng đến trải nghiệm khách hàng…
“Service software”: Dịch vụ đào tạo chuyên sâu cho các phần mềm đã bán; Dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để bảo đảm khách hàng tối ưu hoá sử dụng những sản phẩm phần mềm đã mua.
“Build software”: Nếu phần mềm dựng sẵn chưa đáp ứng
được nhu cầu, AgileOps giúp xây dựng phần mềm tuỳ chỉnh theo đúng mong muốn của doanh nghiệp.
Nếu tóm gọn nguyên tắc hoạt động của AgileOps trong một chữ, anh sẽ dùng chữ nào?
Khi ai có nhu cầu mua giải pháp ESM với Google Workspace, HubSpot Marketing và Sale, hay Atlassian và Jira, thì chúng tôi - Công ty AgileOps tại Việt Nam - luôn bán tất cả giải pháp đó theo nguyên tắc: Có TÂM!
Một chữ mà tôi và AgileOps chọn, chính là chữ Tâm.
Xin cảm ơn ông!
Nhịp sống thị trường