Vì sao mua cốc trà sữa 30k mỗi ngày có thể khiến bạn mất luôn 2,4 tỷ đồng?
Vấn đề không mới nhưng cũng chẳng cũ, chi tiêu cho niềm vui có thật sự là sai lầm?
- 30-04-2022Ai cũng mong có nhiều tiền để độc lập tài chính, nhưng liệu đã biết 7 cách biến điều đó thành hiện thực?
- 29-04-2022Tiết lộ từ môi giới: Nhà nhà, người người đều chứng khoán thì thu nhập 100 triệu/ tháng là bình thường
- 28-04-2022Doanh nhân 2 lần trở thành tỷ phú duy nhất của Iceland: Xuất thân trâm anh thế phiệt, gia tộc 3 đời phá sản nhưng đều lội ngược dòng thành công
Mới đây, chủ đề "nhịn" uống 1 cốc trà sữa 30k mỗi ngày, sau 40 năm bạn tự nhiên có 2,4 tỷ đồng trong tài khoản đang khiến cho netizen xôn xao. Một bộ phận nghi hoặc về tính xác thực của con số 2,4 tỷ, bên cạnh đó lại có người cho rằng "sống như vậy quá khổ", khi không thể "thưởng" cho bản thân mình 1 cốc trà sữa.
Vấn đề tưởng mới nhưng thật ra luôn hiện hữu ở cuộc sống hiện đại ngày nay. Câu chuyện nên sống hết mình cho hôm nay, hay tích lũy cho tương lai, không còn xa lạ gì. Ai cũng hiểu để trở nên giàu có hơn, cần phải tích tiểu thành đại. Nhưng lý thuyết là vậy, thực hành chưa bao giờ dễ dàng. Chẳng hạn như chuyện bớt đi 1 cốc trà sữa 30k mỗi ngày.
Có thật sự không uống cốc trà sữa 30k/ ngày, 40 năm tự nhiên có 2,4 tỷ đồng?
Nghe đến đây, có lẽ nhiều người thật sự không tin vào phép tính này. Song, chỉ cần với sự trợ giúp từ lãi kép - được Albert Einstein gọi là "kỳ quan thứ tám của thế giới". Lãi kép là khoản tiền lợi nhuận của một khoản tiền gửi được tính dựa trên cả số tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy từ những kỳ trước. Hay nói một cách đơn giản, lãi kép là tiền bạn kiếm được chính trên số lãi của mình.
Bạn tiết kiệm hoặc đầu tư càng lâu, lãi kép càng lớn. Hiệu ứng lãi trên lãi suất có thể tạo ra lợi nhuận liên tục tăng dựa trên số tiền đầu tư ban đầu của bạn. Do vậy, bạn tiết kiệm hay đầu tư càng lớn càng sớm, số tiền lãi càng nhiều.
Và có thể chắc chắn 1 điều rằng, ở độ tuổi 20, bạn bớt đi 1 cốc trà sữa, gửi số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm lãi suất 7-8%, chắc chắn 40 năm sau tự nhiên sẽ có 2,4 tỷ đồng xuất hiện trong tài khoản của bạn.
Một cốc trà sữa 30k chỉ là một ví dụ minh hoạ cho câu chuyện to hơn. Nó còn bao hàm trong đó là những khoản chi nhỏ nhặt thường xuyên nhưng tiêu tốn rất nhiều và đã được xuất hiện trong 1 cuốn sách của David Bach mang tên "Latte Factor".
Vấn đề không nằm ở 1 cốc trà sữa 30k, hay 1 cốc cà phê Starbucks sang chảnh 80k, nó là câu chuyện về những khoản chi tiêu "mong muốn" có thể lược bỏ, tích lũy theo thời gian thành một khoản tiền lớn hơn. Đặc biệt, khi mà giới trẻ ngày nay có xu hướng "xuống ví" cho nhiều món đồ không thật sự cần thiết hơn và cho đó là cách để chữa lành cho bản thân.
Mua sắm kích thích tất cả giác quan. Mùi của những món đồ mới. Gian hàng trưng bày ngập tràn ánh nắng. Hay những bộ quần áo được sắp xếp kết hợp màu sắc hài hoà với nhau. Hay là tự thưởng cho bản thân một cốc trà sữa mỗi ngày. Tất cả tạo ra một trải nghiệm được cảm nhận bởi tất cả các giác quan, mang tính giàu trí tưởng tượng. Nó giúp chúng ta biến mất trong thực tế của chính mình, dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đó cũng chính là cách những món đồ "mong muốn" hay khoản chi tiêu nhỏ nhặt "bào mòn" ví tiền của bạn. Cũng tương tự trong câu chuyện tiết kiệm, nếu bạn "tích lũy" tiêu pha nhiều hơn với những món đồ tưởng chừng nhỏ nhặt chẳng đáng bao nhiêu, chỉ sau một vài năm tính lại, bạn sẽ nhận ra đó là một con số khổng lồ. Chẳng hạn, mỗi ngày 1 cốc trà sữa 30k, tức là 1 tháng sẽ chi 900k, 1 năm là 10,8 triệu đồng - 1 con số không hề nhỏ, chưa tính đến chi phí cơ hội bạn mất đi để khoản này "tiền đẻ ra tiền".
Tránh những khoản chi tiêu không cần thiết
Đồng ý rằng ai cũng cần một khoản tiền để tiền xài cho bản thân, những thú vui trong cuộc sống. Một ngày làm việc áp lực, uống 1 cốc trà để "xốc" lại tinh thần, không sao. Tuy nhiên, không thể dùng nó thành "cái cớ" để nuông chiều bản thân quá đà. Những món đồ có thể trong suy nghĩ của bạn chẳng đáng bao nhiêu, 30k hay 40k. Tuy nhiên, tích luỹ theo thời gian cũng không hề ít.
Chắc bạn không còn xa lạ với câu chuyện đi siêu thị dự tính mua khoảng 200-300k nhưng đến khi tính tiền thì tá hỏa nhận ra hoá đơn đã lên tới 600-700k. Đó cũng là do suy nghĩ "những món đồ 30-40k có đáng là gì". Từ quan điểm đó có thể dễ dàng sinh ra câu chuyện bội chi, chi tiêu nhiều hơn thu nhập, đặc biệt khi bạn không có thói quen quản lý chi tiêu hàng tháng.
Đôi khi bạn cũng quên đi thứ mình thật sự cần là gì. Bạn có thật sự cần 1 cốc trà sữa mỗi ngày để vui hơn? Mặt khác, tránh những khoản chi tiêu không cần thiết từ nhỏ nhất như này sẽ dần giúp bạn có nhận thức hơn về những khoản tiền lẻ mà trước đó bạn nghĩ rằng không quan trọng.
Giảm bớt một cốc trà sữa sang chảnh ngoài hàng để thay vào bằng một cốc tự pha ở nhà rẻ tiền hơn; bỏ qua một chục chiếc váy trendy hàng giá rẻ mặc được vài lần để chọn mua một chiếc váy xịn xò, có thể dùng được dài lâu; cắt giảm bớt một số tài khoản premium mà bạn không trải nghiệm hết dịch vụ để chuyển sang tài khoản bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu… Tất cả những thay đổi nhỏ nhặt này không tước đoạt đi bất cứ niềm vui nào của bạn.
Không ai ngăn bạn đôi lúc "mua" niềm vui cho mình nhưng hãy trong khoản định mức cho phép. Tuy nhiên, đừng để bản thân trở nên stress hơn vì tiêu quá nhiều tiền, sau đó lại tiếp tục "vung tay quá trán" bởi vì quá áp lực, và 1 vòng lặp ngày càng nghèo đi cứ thế tiếp tục. Mỗi đồng tiền tích luỹ sẽ giúp bạn "mua" một phần vốn chủ sở hữu cuộc sống trong tương lai. Thoải mái về tài chính hay khốn đốn vì nợ nần cũng chỉ từ những hành động nhỏ nhất.
Ảnh: Tổng hợp
Trí thức trẻ