MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 “phá sản”?

Ước đến tháng 10/2020, cả nước mới có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam có thể sẽ “phá sản”.

Mục tiêu vẫn còn xa

Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Ước đến tháng 10/2020, cả nước có 795.000 DN đang hoạt động.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại thời điểm năm 2016, khi xây dựng mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, Chính phủ đã rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp và nhiệm vụ tại Nghị quyết 35/NQ-CP. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đa số các chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống.

“Vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan”, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận.

Trên thực tế, ngay từ ban đầu, mục tiêu đặt ra đã là thách thức. Bởi lẽ, với con số 442.885 DN đang hoạt động vào năm 2015, muốn đạt được mục tiêu, thì tốc độ tăng trưởng số DN hoạt động bình quân phải đạt 17,7%.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng DN thành lập mới bình quân tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015, thì cả tốc độ tăng số DN đang hoạt động (là 14,4%) và tốc độ tăng số DN thành lập mới (10,5%) đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được. Chưa kể, mặc dù số lũy kế DN thành lập mới vượt 1 triệu DN, song do số lượng DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng cao, nên con số còn lại không đủ 1 triệu DN.

Riêng năm 2018, số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể tăng đột biến. Tính đến ngày 20/12/2018, cả nước có 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 63.525 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và 16.314 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong khi đó, kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ việc thành lập DN mới gặp khó khăn, mà cả số DN giải thể, đóng cửa cũng tăng lên. Cụ thể, 10 tháng của năm 2020, cả nước có gần 111.200 DN đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới gần 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Cần coi DN vừa là khách hàng, vừa là đối tượng quản lý

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, việc không đạt được con số 1 triệu DN trong năm 2020 cũng không phải là câu chuyện bất ngờ, bởi nếu tính theo tiến độ, từ lâu nhiều nguồn tin đã dự báo là mục tiêu này không thể được. Chính vì thế, Chính phủ cũng đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhưng chưa hiệu quả. Điển hình là chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành DN chưa đủ hấp dẫn, do đó số DN thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực DN.

"Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 không hoàn thành cũng không thể bắt lỗi cho ai, kể cả Chính phủ, nhưng câu chuyện ở đây là hiệu quả. Đây sẽ là bài học cho Việt Nam ở thời gian sắp tới", ông Phong nói.

 Vì sao mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 “phá sản”?  - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ việc thành lập DN mới gặp khó khăn, mà cả số DN giải thể, đóng cửa cũng tăng lên. (Ảnh minh họa: KT)

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để đạt được con số 1 triệu DN như mục tiêu, Chính phủ phải nghiên cứu để cởi trói cả về chính sách và tạo cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi lên thành DN. Bởi hiện nay tâm lý của bộ phận này vẫn theo hướng sợ lên DN vì tốn kém, thủ tục và nghĩa vụ...

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, DN thực tế vẫn phải mất chi phí đầu vào cao, điển hình như tiền thuê đất điều chỉnh đột ngột, tiền nguyên nhiên vật liệu, tiền thuê nhân công, chi phí không chính thức…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, áp lực chi trả cho đầu vào của các DN là rất lớn, vì vậy Ban IV cho biết, DN mong muốn các chính sách hỗ trợ tới DN phải nhanh hơn nữa. DN kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tăng định mức hỗ trợ đối với đào tạo trực tiếp, bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến...

Giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, thách thức và thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do, để khuyến khích phát triển DN tư nhân, các Bộ, ngành và địa phương cần phải đổi mới tư duy quản lý nhà nước về DN khu vực tư nhân. Theo đó, Nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý.

Nhà nước cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho DN khu vực tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần DN; phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Theo Diệp Diệp

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên