Vì sao Ngân "gốm" lừa đảo trót lọt suốt một thời gian dài?
Ngày 15/9, Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng Đỗ Thị Kim Ngân (tức Ngân "gốm"), SN 1985, HKTT xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã lừa đảo 7 người với số tiền gần 300 triệu đồng.
- 10-09-2021Ngoài Ngân "gốm", Giang Kim Cúc còn có quan hệ thân thiết với Nguyệt Hà Nội - "nữ quái" đang "nợ" án chung thân vẫn lừa đảo hàng tỷ đồng?
- 18-08-2021Nóng: Khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngân "gốm"; ai là nạn nhân liên hệ ngay vào số điện thoại sau
- 18-08-2021Vụ "nữ đại gia Ngân gốm" bị bắt giữ khi đang lẩn trốn: Ở địa phương được đánh giá là người không có uy tín, không lừa được ai ở quê
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là tài liệu bước đầu làm rõ được, trên thực tế, Ngân lừa đảo rất nhiều người với số tiền lớn, trong đó, có nhiều người chưa tố cáo tới cơ quan Công an, có trường hợp thì do thành phố đang thực hiện giãn cách nên chưa đến các địa phương khác để xác minh được" - lãnh đạo Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Gia Lâm cho biết.
Trước đó, giữa tháng 8/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội và Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp với Công an TP Thanh Hoá bắt giữ đối tượng này khi đang lẩn trốn ở TP Thanh Hoá. Đỗ Thị Kim Ngân đang bị tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua xác minh, Cơ quan Công an xác định, người bị Ngân "gốm" lừa nhiều tiền nhất là anh Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1977, trú ở tỉnh Đắk Lắk). Khoảng đầu tháng 9/2020, qua mạng xã hội, anh Hùng tình cờ đọc được trang Facebook của Đỗ Thị Kim Ngân, đăng bán bộ bàn ghế bằng gỗ trắc và 1 chiếc đồng hồ Rolex với giá 150 triệu đồng. Anh Hùng đã trao đổi với Ngân mua bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ trên; thống nhất sẽ chuyển tiền cho Ngân trước. Khi Ngân đã nhận đủ tiền thì chuyển hàng về địa chỉ của anh Hùng tại Đắk Lắk.
Đỗ Thị Kim Ngân đứng bên siêu xe để "làm màu" nhằm lừa đảo người khác.
Trong các ngày từ 28 đến 30/9/2020, anh Hùng 3 lần chuyển khoản cho Ngân 150 triệu đồng. Ngân nhắn lại cho anh Hùng là đã nhận đủ tiền và hàng hóa đã cho lên xe cotainer để chuyển vào Đắk Lắk. Tuy nhiên nhiều ngày sau đó, anh Hùng vẫn không nhận được bộ bàn ghế và chiếc đồng hồ nào. Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện yêu cầu Ngân chuyển hàng, nếu không phải trả lại tiền, anh Hùng chỉ nhận được…sự thách thức, chửi bới của Ngân "gốm". Trước diễn biến này, cuối tháng 6/2021, anh Hùng đã trình báo sự việc đến Công an huyện Gia Lâm.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Mai Anh, trú tại TP Hồ Chí Minh cũng là nạn nhân cho biết. Theo đó, trên fanpage Ngân "gốm" đăng tải một post thanh lý hàng gia dụng để quyên góp quỹ vaccine COVID-19, mẹ chị nhanh chóng đặt hàng gồm: 1 bộ xoong nồi của Đức, 1 nồi chiên không dầu, 1 bộ dao, 2 bộ tách trà, với tổng giá trị hơn 21 triệu đồng. Mẹ chị Mai Anh đã chuyển tiền cho Ngân nhưng nhắn tin thì bên kia không trả lời, gọi cũng không nghe. Thậm chí dùng số khác gọi cũng không nghe.
Trường hợp chị Tăng Thị Kiều Nhi (33 tuổi, quê quán tỉnh Tiền Giang), "may mắn" chỉ bị Ngân "gốm" chiếm đoạt vài triệu đồng. Qua Facebook, biết được thông tin Ngân thường hay livestream trên Facebook để bán hàng gốm sứ. Chị Nhi liên hệ đặt mua 1 bộ tranh tứ quý và 1 bộ ấm chén gốm sứ Bát Tràng, tổng trị giá 7 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sau khi chị Nhi chuyển đủ tiền, trong vòng 1 tuần sẽ nhận được hàng. Nhưng đến tận bây giờ, chị Nhi vẫn "chưa rõ mặt mũi" bức tranh và bộ ấm chén Bát Tràng ra sao.
Một thủ đoạn khác của Ngân "gốm" khiến chị Tô Thị Thuận, ở TP Hồ Chí Minh mắc bẫy. Đầu năm 2018, thông qua trang Facebook Đỗ Thị Kim Ngân (Ngân gốm), chị Thuận thấy Ngân kêu gọi mọi người mua hàng để ủng hộ hai bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tên A Sủng và Hà, không rõ địa chỉ cụ thể. Chị Thuận đã đặt mua 2 bát khử mùi, 1 bộ tranh tứ quý, 1 bình hút tài lộc, tổng trị giá 10,5 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị Thuận không nhận được số hàng đã mua của Ngân. Chị Thuận đã nhắn tin, gọi điện cho Ngân để yêu cầu giao hàng hoặc trả lại tiền nhưng Ngân không trả và chặn mọi liên lạc…
Bi hài nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân (SN 1985, quê quán Long An). Cuối năm 2017, chị Xuân vào trang Facebook của Ngân "gốm" để tìm mua hàng gốm sứ. Qua đây, chị Xuân đặt mua 1 bộ ấm chén sứ với giá 2,5 triệu đồng. Ngân còn hứa với chị Xuân sẽ tặng khuyến mãi 1 con heo đất. Tuy nhiên, tiền gần 1 năm vẫn chưa nhận được hàng nên chị Xuân đã nhiều lần gọi điện cho Ngân, dẫn đến hai bên có nhiều lời lẽ bức xúc với nhau. Sau gần 1 năm, chị Xuân mới nhận được 1 bộ ấm chén sứ, nhưng... không nhận được con heo đất như lời hứa của...trùm lừa.
Theo lời khai của Ngân, trái với những gì hào nhoáng trên Zalo, Facebook, cô ta không có cửa hàng, không có giấy phép kinh doanh bất cứ mặt hàng gì. Thủ đoạn của Ngân là "mượn" hình ảnh bán hàng… của người khác để sử dụng đăng bài mua bán hàng cho mình. Khi có người mua hàng, đặt hàng (thường là đồ gốm sứ, bàn ghế, xe máy, tivi, đồng hồ, đồ điện tử...) Ngân yêu cầu khách chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng, rồi hứa hẹn sẽ chuyển hàng theo đường bưu điện hoặc chuyển phát nhanh, rồi...bùng.
Được biết, Ngân "gốm" bắt đầu nổi tiếng khoảng 4-5 năm gần đây, từ một bài đăng trên trang tin điện tử với nội dung Ngân là mẹ đơn thân, tay trắng đã quyết tâm để gượng dậy, làm lại từ đầu "biến thương đau thành một cuộc sống màu hồng". Tác giả cũng nhấn vào chi tiết chồng ngoại tình vứt mẹ con chị Ngân bơ vơ nên cô ta đã chứng minh được dù đau khổ nhưng vẫn vượt lên.
Khi đọc được bài báo này, rất nhiều chị em phụ nữ tỏ ra cảm phục với Ngân "gốm", lan truyền thông tin giả này cho đối tượng, tạo được sự tin tưởng cho những người khác. Đối tượng tự phong cho mình là "nữ hoàng làng gốm"... Sau đó, Ngân đã đăng bán nhiều sản phẩm gốm sứ trên trang của mình để lừa đảo. Không chỉ thế, Ngân đã thuê người lập fanpage mới, chuyên đi copy hình ảnh các loại đồ điện tử, đồ gia dụng "xịn" rồi mang về rao bán với giá bán rất rẻ, chỉ khoảng 1/10 giá trị thật. Ở trang fanpage, Ngân cũng bỏ tiền thuê để chạy quảng cáo, tăng lượng theo dõi, tăng lượt like cũng như bình luận.
Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho khách hàng, Ngân còn thường xuyên đăng các hình ảnh đi từ thiện, tặng lợn gốm cho các trẻ em thiệt thòi. Tuy nhiên, đây cũng là chiêu làm màu của đối tượng bởi không ai nhận được bất cứ món đồ gì của cô ta. Gần đây, Ngân còn dùng việc bán hàng để kêu gọi cứu trợ thiên tai, vùng kinh tế khó khăn, gây quỹ vaccine COVID-19... Nhưng, tất cả những việc trên đều là do Ngân dựng lên nhằm chiếm lòng tin của khách hàng để lừa đảo.
Để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Gia Lâm đề nghị ai là bị hại của đối tượng trên thì đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo, hoặc liên hệ Công an huyện Gia Lâm (đồng chí Nguyễn Huy Hiệp, SĐT: 0987673608) để được hướng dẫn giải quyết.
Công an nhân dân