MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ngân hàng miễn phí giao dịch online nhưng tăng phí tin nhắn SMS?

05-02-2022 - 15:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong xu hướng "đua" miễn phí giao dịch online, nhiều ngân hàng đã tăng phí tin nhắn SMS và khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang nhận tin nhắn trên ứng dụng (app)

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, một số bạn đọc cho biết có nhận được tin nhắn từ tổng đài của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về việc tăng phí duy trì dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn SMS từ 11.000 đồng/tháng lên 22.000 đồng/tháng.

Bạn đọc thắc mắc: Vietcombank và nhiều ngân hàng thương mại khác đang đẩy mạnh miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách hàng cá nhân, vì sao lại tăng phí duy trì tin nhắn SMS Banking? Vietcombank hiện miễn phí hoàn toàn các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank.

Trong khi đó, theo thông báo của Vietcombank, từ đầu năm nay, ngân hàng áp dụng phí dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn SMS theo số lượng tin nhắn trong tháng. Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn SMS qua tài khoản của khách hàng dưới 20 tin phí là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại và sẽ tăng dần. Mức phí SMS cao nhất là 70.000 đồng/tháng nếu từ 100 tin nhắn trở lên.

Vì sao ngân hàng miễn phí giao dịch online nhưng tăng phí tin nhắn SMS? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng nhận thông qua qua app để miễn phí và ngân hàng cũng giảm chi phí từ việc thông báo tin nhắn qua SMS

Theo ghi nhận, không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng áp dụng chính sách tăng phí tin nhắn SMS và khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang nhận tin nhắn trên ứng dụng (app) Mobile Banking của ngân hàng để được miễn phí.

Sacombank từ nhiều tháng qua đã ngừng việc thông báo biến động tài khoản thanh toán qua tin nhắn SMS mà chuyển sang thông báo trên app Sacombank Pay. Chính sách này được lý giải nhằm nâng cao trải nghiệm và tối ưu chi phí cho khách hàng. Cụ thể, ngân hàng này miễn phí gửi thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán của khách hàng qua ứng dụng Sacombank Pay, trong khi tiếp tục thu phí dịch vụ SMS Banking 10.000 đồng/tháng chưa gồm thuế GTGT.

Từ đầu năm 2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng áp dụng chính sách ngưng SMS thông báo giao dịch thẻ từ 100.000 đồng và chuyển sang hình thức thông báo qua email.

Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại, việc tăng thu phí SMS Banking nhằm khuyến khích khách hàng nhận thông báo biến động số dư qua app, vừa miễn phí cho khách hàng vừa giảm chi phí cho ngân hàng.

Theo tìm hiểu, thực chất động thái này của các ngân hàng nhằm ứng phó với việc thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tục gửi kiến nghị để các nhà mạng giảm cước phí tin nhắn SMS cho các ngân hàng thương mại nhưng chưa nhận được sự phản hồi.

Tính đến cuối năm 2021, VNBA đã 4 lần có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để kiến nghị giảm mức cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, do tổ chức tín dụng là khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông.

Hiện các tổ chức tín dụng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm; thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, lịch trả tiền vay/sao kê, mã OTP… Đáng nói, mức cước tin nhắn dịch vụ mà nhà mạng áp dụng cho các ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Hiện một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15-20 triệu tin nhắn/tháng; tổ chức tín dụng quy mô lớn khoảng 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức cước rất cao như trên, VNBA cho rằng trong khi những tổ chức tín dụng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng và buộc phải bù lỗ cho chi phí cước dịch vụ viễn thông, ước tính cả hệ thống tổ chức tín dụng, số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Theo Lam Giang

Người lao động

Trở lên trên