Vì sao ngành dịch vụ TPHCM chậm phát triển?
Theo Phó Chủ UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, mặc dù ngành dịch vụ có vai trò rất quan trọng, thể hiện qua việc luôn đóng góp trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng sự phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững
Ngày 25/7, tại Hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ của TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Sở Công Thương TPHCM tổ chức, Phó Chủ UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định ngành dịch vụ có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế TPHCM.
Trong hơn 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỷ trọng đóng góp cao trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong khu vực dịch vụ, chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu trong năm 2023 chiếm 59,6% trong GRDP, chiếm 90% trong khu vực dịch vụ. Với đóng góp quan trọng đó, TPHCM ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất cả nước với đóng góp khoảng 30% về tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2010-2022.
Lãnh đạo TPHCM cũng nhìn nhận sự phát triển của ngành dịch vụ còn chưa tương xứng với tiềm năng , vị thế và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
“Thành phố cũng nhận thức được những bất cập, hạn chế cần tháo gỡ như nguồn vốn đầu tư; cơ sở hạ tầng, tính kết nối trong nội đô và giữa thành phố với các khu vực lân cận. Quá trình chuyển dịch sang các ngành dịch vụ giá trị cao còn chậm so với khu vực; hạ tầng về giao thông, logistics, hệ thống kho bãi chậm phát triển; năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ còn hạn chế...” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, việc xây dựng Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp thành phố tiếp tục có các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển thành phố nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.
Nhiều rào cản
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam - cho rằng, nếu TPHCM thành lập sở giao dịch hàng hóa sẽ góp phần giải quyết bài toán về tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hàng hóa ở mức cao nhất; là phương thức hiện đại có ký quỹ giao dịch làm phần đảm bảo nghĩa vụ trong mua bán hàng hóa, giúp phát triển lành mạnh mối quan hệ thương mại hàng hóa trong nước và giao thương quốc tế, Nhà nước có thể theo dõi và kiểm soát các thông tin thị trường; Thúc đẩy thị trường hiệu quả và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh…
Chia sẻ về những rào cản pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động ngành dịch vụ, TS. Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học xã hội - luật, Giám đốc chương trình Luật Kinh tế Trường Đại học Hoa Sen - dẫn chứng, trong lĩnh vực xăng dầu, việc thiết kế hệ thống phân phối phụ thuộc lẫn nhau đã tác động đến thị trường bán lẻ xăng dầu; hay việc quy định doanh nghiệp kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng phải đạt số lượng xe tối thiểu trong phương án kinh doanh được Sở Giao thông vận tải phê duyệt mới có thể hoạt động.
Hay như ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thỏa mãn các điều kiện: Có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm hay đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách; việc kiểm soát, cắt giảm cái cũ, cái hiện có nhưng không kiểm soát cái mới ban hành, cái đang soạn thảo; thủ tục hành chính vẫn phiền hà...
“Có thể thấy, một số rào cản pháp lý ảnh hưởng đến ngành dịch vụ không chỉ cản trở quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức mà còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Nam nói.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu TPHCM trở thành một thành phố cạnh tranh trong khu vực và vươn ra thế giới, TPHCM phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Muốn vậy, TPHCM cần định vị, xác định mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có được những nền tảng của các thành phố xếp hạng cao trong khu vực TPHCM, cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu với các nhóm ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Tiền phong