Vì sao người dân đi xe buýt tăng đột biến?
Số lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi lại tại TP HCM tăng đột biến sau nhiều năm bị cho là “chết yểu”.
- 10-06-2017Phun sương ở trạm chờ xe buýt, nhiều ý kiến trái chiều
- 02-06-2017Xe buýt đi trên vỉa hè ở trung tâm TP.HCM khiến nhiều người bức xúc
- 31-05-2017Hà Nội tiếp tục thay hàng loạt xe buýt hiện đại, wifi miễn phí
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (viết tắt là trung tâm) – Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tính đến tháng 6-2017, lượng hành khách đi lại bằng xe buýt tại TP đạt 163,3 triệu lượt, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 47,2 % so với kế hoạch năm 2017 là 346 triệu lượt.
Với sản lượng này, đây là lần đầu tiên sau khoảng 4 năm, lượng hành khách sử dụng xe buýt tại TP HCM mới bắt đầu có dấu hiệu "hồi sinh".
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm, cho biết để đạt được mức tăng như trên là do trong năm nay, một trong những mục tiêu trọng tâm mà Sở GTVT cũng như TP hướng tới là tập trung đầu tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt.
Ông Trung thông tin trong năm 2016, TP đã đầu tư thay mới gần 700 xe buýt trên 39 tuyến xe có trợ giá và dự kiến đến hết năm nay sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 800 xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên) nhằm giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, hiện lộ trình của một số tuyến xe buýt chất lượng cao đã được điều chỉnh kết nối với các khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), ga Sài Gòn (quận 3)... thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đón xe buýt. Ngoài ra, TP cũng đang thí điểm 4 tuyến xe buýt điện, thu hút nhiều khách tham quan du lịch.
Một số tuyến xe buýt chất lượng cao được bổ sung vào hệ thống để kết nối với các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn... nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại
Ông Trung chia sẻ công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt vẫn đang được trung tâm chú trọng. Trong đó, đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống 4.000 camera trên khoảng 3.000 xe nhằm theo dõi thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên cũng như giám sát an ninh trật tự...
"Trong khi TP HCM chưa có hệ thống metro, xe buýt nhanh BRT thì xe buýt hiện nay là chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra theo từng giai đoạn cụ thể và Sở GTVT cũng lấy năm 2017 là năm tập trung đầu tư, phát triển hệ thống xe buýt. Việc này nhằm từng bước hoàn thành một trong những mục tiêu thuộc 7 chương trình đột phá của TP là giảm tai nạn và ùn tắc giao thông" - ông Trung nói.
Theo trung tâm, kế hoạch triển khai 2 tuyến đường có làn riêng cho xe buýt hiện đã nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, UBND các quận, huyện cũng như lực lượng CSGT nên đơn vị đã hoàn tất báo cáo gửi Sở GTVT trước khi trình UBND TP để có chỉ đạo cụ thể. Hai tuyến đường có làn riêng vẫn dự kiến thực hiện trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, có thể thực hiện trong năm nay.
Người lao động