Vì sao người dân đổ xô đầu tư bất động sản?
Mới đầu năm 2021, cơn sốt đất nền đã lan rộng khắp cả nước. Giá đất liên tục leo thang, theo một số người, hiện tượng này là điều bất thường của thị trường BĐS.
Lý giải vì sao người người, nhà nhà đem tiền bỏ vào BĐS, một số chuyên gia trong ngành đã chỉ ra những yếu tố tác động mạnh mẽ đến động thái này.
Theo một vị chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, yếu tố tâm lý thị trường đang tác động rõ nét đến hoạt động mua bán BĐS ở thời điểm này. Thông thường cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường BĐS nói chung và phân khúc đất nền nói riêng khá sôi động. Các chủ đầu tư và môi giới đua nhau ra hàng, tăng cường các hoạt động quảng cáo tiếp thị khiến thị trường BĐS rôm rả.
Bên cạnh đó, người mua F0 đang "rủng rỉnh" tiền sau một năm cày cuốc, đối tượng này vào thị trường khá mạnh mẽ khiến hoạt động mua bán trở nên nhộn nhịp đầu năm. Chưa kể, tiền gửi trong ngân hàng lãi suất đang giảm khiến tâm lý bỏ tiền vào tài sản là đất để sinh lợi tốt hơn là cách họ lựa chọn. Ngoài ra, đầu năm cũng là thời điểm mà các cơ chế chính sách đi vào thực thi. Theo đó, niềm tin của người mua BĐS cũng "phơi phới" theo.
Bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận Thẩm định và Tư vấn, Colliers Việt Nam lý giải về nguyên nhân sốt BĐS đang lan rộng ra cả nước. Theo bà Ngọc, các thông tin quy hoạch như phát triển hạ tầng như mở đường, xây cầu, sân bay, quy hoạch phát triển khu dân cư mới, quy hoạch huyện lên thành quận, quận lên thành phố, được các nhà đầu cơ và môi giới lợi dụng thông tin tung thêm tin đồn, vận dụng hiệu ứng đám đông để làm nhiễu loạn giá và tạo sóng tăng giá đất.
Chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn qua một số các thông tin ví dụ như sau đây. Thủ tướng ban hành Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng của TP Hà Nội dự kiến thành lập quận.
Theo thống kê trong quý IV – 2020, thông tin này khiến giá đất ở các xã Kim Chung, Đức Thượng, thị trấn TrạmTrôi thuộc huyện Hoài Đức tăng từ 100 đến 150 triệu đồng/m2 so với quý III – 2020. Bên cạnh đó, đất huyện Đông Anh (xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh) cũng đã tăng giá gấp đôi so với một vài tuần trước khi có thông tin.
Hay thông tin về quy hoạch sân bay sân bay Long Thành - Đồng Nai, Mũi Né – Bình Thuận cũng làm giá đất nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Trong quý 4/2020, việc nhiều lô đất nông nghiệp tại xã Lộc An và Bàu Cạn có khả năng được chuyển sang mục đích sử dụng đất là thổ cư, làm mức giá khu vực này rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng/sào, trong khi cùng kỳ năm 2019 có giá khoảng 3 – 3.5 tỷ đồng/sào (1 sào = 1000m2 đất).
Thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức cũng làm giá đất quanh khu vực này tăng theo. Cụ thể, trong quý 2/2020, giá đất phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 rơi vào khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến nay đã có nhiều lô đất được rao bán từ 100-140 triệu đồng/m2.
Thêm vào đó, lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm cộng với tiền nhàn rỗi trong dân dẫn đến một lượng nguồn vốn được đổ vào thị trường BĐS.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19, dẫn đến tâm lý mua tài sản giữ tiền trong thời kỳ dịch. Đồng thời, sau khi Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư nên bất động sản tại các khu vực có tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu có xu hướng tăng.
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia trong ngành còn phân tích, tâm lý của đa số người Việt là "Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời" .Người Việt luôn tin rằng đổ tiền vào BĐS luôn mang lại sự an toàn hơn bất kỳ kênh đầu tư nào khác như: vàng, chứng khoán, bitcoin,….Vì đất, nhà không mất giá theo thời gian mà lại tăng nhiều, tăng mạnh là đằng khác, cũng như tránh được sự trượt giá của tiền mặt (lạm phát).
Chuyển hiện kim thành tài sản đất đai vừa tránh được rủi ro, không lo trộm cướp lại tăng giá trị vì vậy hiển nhiên BĐS trở thành kênh đầu tư được người Việt "mê". Chính tâm lý này đã kích thích nhu cầu chuyển dòng tiền mạnh mẽ vào BĐS. Chưa kể, nhiều người cũng ôm mộng đổi đời nhờ sốt đất. Nhiều người ngẫu nhiên từ tay trắng thành tỷ phú trong 1 đêm là nhờ giá đất tăng chóng mặt khi có quy hoạch nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, xây cầu, mở rộng đường. Chính tâm lý ôm đất chờ thời phất lên mà nhiều người sẵn sàng lao vào cơn sốt đất.
Chia sẻ mới đây, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM thực sự nếu tình trạng sốt đất tiếp tục lan rộng như hiện nay thì đó là điều bất thường với thị trường BĐS. Hệ lụy để lại cho thị trường là không nhỏ, thậm chí đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân ở một số vùng miền bị đảo lộn vì quay cuồng trong cơn sốt đất. Vị doanh nghiệp này chia sẻ, có hiện tượng ở một số khu vực khi đất sốt, nửa đêm vẫn có người gõ cửa người dân để hỏi mua đất, tình trạng rất lạ của thị trường BĐS.