MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người Pháp thường ít dẫn con dưới 3 tuổi đi ăn nhà hàng sang trọng?

08-01-2019 - 18:16 PM | Sống

Nhắc đến nước Pháp nói chung và Paris nói riêng, nhiều người nghĩ đến văn hóa ẩm thực đã được nâng lên đến mức nghệ thuật, đến những nhà hàng cực kỳ sang trọng, những món ăn được chế biến cầu kỳ bậc nhất thế giới.

Người ta cũng có thể nghĩ đến nghệ thuật nướng bánh, làm bánh ngọt phát triển nhất ở châu Âu; đến chiếc bánh mỳ dài như cây gậy đặc trưng của Pháp; đến những sản phẩm từ bơ sữa, đặc biệt là món pho mát cực kỳ đa dạng hay những chai rượu vang Pháp được biết đến bởi tất cả những người sành rượu, yêu rượu trên thế giới.

Trước tiên cần nói rằng trong lĩnh vực ăn uống, người Pháp rất coi trọng vấn đề vệ sinh. Thực khách ở Pháp chắc chắn sẽ không ăn nếu trên đĩa, trên cốc của họ có một vết vân tay của người phục vụ, dù chỉ mờ mờ. Họ cũng không ăn nếu như mặt bàn còn chưa được lau dọn và sửa soạn lại như mới sau khi khách trước rời đi. Các quy định, luật lệ về vệ sinh thực phẩm trong các nhà hàng cũng được đặt ra và giám sát khá chặt chẽ, tất nhiên không phải nhà hàng nào cũng tuân thủ, nhưng nếu bị phát hiện, sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí bị đóng cửa vĩnh viễn.

Tôi nhớ lại thời gian làm trong cái bếp vừa nhỏ vừa nóng đến ngột ngạt ở Quận 13. Mỗi khi nền nhà loang nước, tôi lấy cái khăn lau nhà ra lau vội rồi vứt đó, bị bà chủ la hét chóng cả mặt. Bà ấy bắt tôi mỗi lần lau xong phải giặt ngay và phơi lên, không được để dưới nền nhà. Tôi bảo "để đấy lát lại lau tiếp, cuối buổi giặt một thể." Bà bảo: "Mày muốn tao sạt nghiệp?"

Thì ra theo quy định là như vậy, bởi khăn lau xong không giặt và phơi lên mà để trên nền nhà có thể là một ổ phát triển thuận lợi cho vi trùng, và nếu có đoàn kiểm tra, một cái khăn nằm trên nền nhà như vậy dù chỉ trong năm phút cũng có thể khiến nhà hàng bị phạt hàng ngàn euro.

Vì sao người Pháp thường ít dẫn con dưới 3 tuổi đi ăn nhà hàng sang trọng? - Ảnh 1.

Quận 13- Paris.

Đó chỉ đơn giản là quy định về chiếc khăn lau nhà. Còn hàng trăm điều khoản, quy định về vệ sinh khác, về nhiệt độ cho từng loại ngăn chứa đồ trong tủ lạnh, về việc phân loại, lưu giữ đồ ăn, nhất là đồ đã qua chế biến không được để qua đêm. Thời còn nghèo đói, làm việc cho một nhà hàng sushi (món ăn với cá sống truyền thống của Nhật Bản), tôi đã đau lòng khi mỗi đêm phải vứt vào thùng rác hàng trăm hộp sushi bán không hết, dù chúng chỉ vừa mới được chế biến trong buổi tối.

Ở trong các nhà hàng, trừ các nhà hàng ăn nhanh và các quán phục vụ dân công sở lúc bữa trưa, người Pháp không thích tiếng ồn. Điều này có lẽ cũng trái ngược với người Việt. Không phải người Pháp khi đi ăn thì không nói chuyện, cười đùa, nhưng họ làm những điều đó rất nhẹ nhàng. Càng ở trong những nhà hàng nhỏ hẹp, khoảng cách giữa bàn này đến bàn kia càng ít thì người ta càng ‘‘nói khẽ, cười duyên".

Bởi đối với người Pháp, đi ăn uống là lúc thư giãn, cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và tận hưởng món ăn ngon. Cũng vì thế mà trong các nhà hàng, nhất là nhà hàng sang trọng, ít khi có trẻ con, nhất là trẻ con ở độ tuổi còn chưa thể "khống chế" được (khoảng dưới ba tuổi). Các cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ, nếu muốn đi thưởng thức một bữa tối sẽ gửi con cho bố mẹ trông hộ hoặc thuê người đến trông, để có thể tay trong tay đi ăn theo cách thư giãn nhất.

Vì sao người Pháp thường ít dẫn con dưới 3 tuổi đi ăn nhà hàng sang trọng? - Ảnh 2.

Một nhà hàng sang trọng tại Pháp.

Điều đó không có nghĩa là trẻ con không được ăn ngon, bởi nếu muốn thưởng thức món ăn ngon trong không khí gia đình, các ông bố bà mẹ sẽ mua về nhà hoặc đặt mang đến tận nơi, như thế con cái họ sẽ được vừa ăn vừa làm ồn thoải mái nếu chúng thích mà không làm ảnh hưởng đến người khác. Nếu không, họ sẽ đến những quán ăn nhanh, quán ăn kiểu gia đình có không gian rộng hay ở ngoài trời chứ không đưa đến những quán theo kiểu gastronomie (quán ẩm thực cao cấp).

Trong các quán ăn, kể cả quán bình dân, người Pháp luôn coi trọng cách trang trí nội thất, màu sắc đẹp, dễ chịu, ánh sáng tự nhiên… Tức là họ coi trọng mọi yếu tố để bữa ăn thực sự nhẹ nhàng, thư giãn để đầu óc được thoải mái hoàn toàn và tận hưởng hương vị của thức ăn. Họ đặc biệt coi trọng việc tôn trọng người khác và việc được tôn trọng.

Tôi không thích thú cao độ gì chuyện ngồi "thì thầm" khi đi ăn tối (thật ra, khi ai cũng nói nhẹ nhàng thì chỉ cần nói nhẹ nhàng là đủ nghe thấy nhau), nhưng rõ ràng là ăn tối như thế, bữa ăn trở nên hấp dẫn, ngon lành và dễ chịu hơn nhiều so với khi quanh ta ầm ĩ những tiếng mắng con, cười đùa, những câu chuyện chém gió, chuông điện thoại, cụng ly và những gã gào lên "dzo dzo" như để thể hiện sức mạnh.

Tất nhiên sự khác biệt đến từ cách sống khác nhau. Nhưng cách sống, văn hóa nào cũng có giá trị của nó. Tôi sẽ không cảm thấy bị phiền khi ngồi ăn mà xung quanh tiếng nói cười rộn rã, vui vẻ như trong nhiều quán ăn ở Hà Nội, khi cách giao tiếp của mọi người vẫn ở trong chừng mực có văn hóa. Còn vượt quá giới hạn, giống như tai của ta chỉ chịu được âm thanh đến một "ngưỡng" nào đó trước khi việc "nghe" trở thành "chịu đựng" và thậm chí là "đau đớn". Nếu khách hàng đã tự coi trọng nhau như thế, nhà hàng sẽ còn coi trọng hơn.

Ở Pháp, bạn sẽ không bao giờ nghe thấy tiếng dọn bát đũa ầm ầm, tiếng chân chạy hay la hét của nhân viên, quát tháo của chủ, chứ đừng nói đến chuyện ngồi ăn phải nghe chủ quán mắng người giúp việc như hát hay, văng ra đủ thứ tùm lum vào mặt khách, ăn thấy đắng, lần sau tôi chẳng bao giờ quay lại. Tất nhiên không phải quán nào cũng vậy, nhưng chuyện ấy thường gặp quá, và đau buồn hơn là những chuyện đó mọi người chẳng ai chú ý, hay phản đối (???), kể cả những "thượng đế" đang chi tiền ra kia.

(*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.

Theo Hoàng Long

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên