Vì sao người trẻ tuổi muốn lương cao nhưng lại ngại đàm phán?
Đàm phán lương là bước quan trọng trong quá trình phỏng vấn công việc mới. Đó chính là cơ hội để bạn được trả công tương xứng với giá trị bản thân (hoặc tiến gần đến con số mong muốn) và thiết lập quỹ đạo tài chính riêng mình tại công ty mới trong nhiều năm tới.
- 17-02-202029 tuổi, mỗi tháng lương mấy triệu bạc, đời người như vậy đã “định hình” chưa?
- 17-02-2020Gặp phải đồng nghiệp kém duyên: Đây là 6 điều bạn có thể làm!
Theo một khảo sát năm 2018 của Robert Half, chỉ 39% số người được hỏi cho biết rằng họ sẽ yêu cầu được trả lương cao hơn khi chuyển sang công việc mới. Nói cách khác, hơn một nửa số nhân viên sẽ chấp nhận lời mời làm việc mới mà không nỗ lực đàm phán.
Kết quả này cũng chỉ ra rằng trong số những nhân viên trẻ và người thuộc thế hệ Millennials, tỷ lệ đàm phán diễn ra khá hiếm; trên thực tế, chỉ có 37% Millennials từng yêu cầu tăng lương, theo Payscale. Vậy điều gì khiến nhiều ứng viên trẻ tuổi e ngại bỏ qua bước đàm phán lương.
Vì sao nhiều người trẻ miễn cưỡng khi đàm phán tiền lương?
Theo nghiên cứu của PayScale, có rất nhiều lý do khiến người trẻ không muốn đàm phán hoặc yêu cầu tăng lương, nhưng hai lý do nổi bật nhất chính là: Họ không muốn có cảm giác kém thoải mái trong quá trình đàm phán và không muốn bị xem là quá nôn nóng hoặc chỉ chăm chăm tập trung vào tiền bạc.
Cảm giác không thoải mái là điều tự nhiên, đặc biệt nếu bạn lo lắng về khả năng giành được vị trí này, nhưng nó thường là sản phẩm phụ của việc ít giao tiếp và trải nghiệm. Nếu trước đây bạn chưa từng thương lượng lương, bị thiếu kinh nghiệm lẫn điều kiện thực hành hoặc xem ai đó thực hiện đàm phán, tất nhiên bạn sẽ thấy khá bất an ngay lần đầu tiên.
Về cảm giác thúc đẩy, cần hiểu rằng hầu hết nhà tuyển dụng đã dự kiến một mức độ phản hồi hoặc đàm phán nhất định từ ứng viên. Chắc chắn là đâu đó vẫn luôn tồn tại những cách đàm phán lương khiến cho một ứng viên trông có vẻ kiêu ngạo, đòi hỏi hay quan tâm vật chất, nhưng hãy nhớ rằng bản thân việc đàm phán không có gì sai trái hay đáng xem là vấn đề.
Vì sao việc đàm phán lương lại quan trọng hàng đầu?
Vì nó không có mặt trái. Trừ khi bạn tỏ ra hung hăng, đòi hỏi vô lý và hành xử kém chuyên nghiệp, hành động đàm phán lương hầu như không tạo ra tác động tiêu cực nào cả. Mọi điều bạn đang làm chỉ là yêu cầu được trả thêm lương, còn nhà tuyển dụng có quyền chấp nhận hoặc từ chối. Nếu yêu cầu của bạn được chấp thuận thì bạn ngay lập tức sẽ có thêm nhiều tiền khi bắt tay vào công việc mới. Nếu không, bạn cũng sẽ chẳng bị "trừng phạt" bất cứ điều gì. Nói cách khác, chỉ có thể là kết quả khả quan hoặc trung tính, chứ không thể có kết quả tiêu cực.
Lợi nhuận gộp. Đàm phán mức lương cao hơn sẽ đặt bạn vào một quỹ đạo thu nhập có giá trị cao hơn, và nó sẽ mang đến thêm lợi ích cho bạn trong nhiều năm sắp tới.
Hiệu ứng tiền lương tương lai. Mức lương hiện tại của bạn cũng có thể đóng vai trò quan trọng đối với việc dự đoán mức lương trong tương lai. Nếu bạn thay đổi vai trò trong một công ty, công ty có thể sử dụng mức lương hiện tại làm cơ sở để xác định mức lương mới. Khi có khởi điểm cao hơn, bạn sẽ có không gian để yêu cầu nhiều hơn sau đó. Bạn cũng sẽ tự tin hơn khi yêu cầu nhiều tiền hơn trong cùng vai trò tại một công ty khác trong tương lai.
Sự chính trực, nghiên cứu và quyền hạn. Một số nhà tuyển dụng có thể sẽ đáp ứng cho bạn khi bạn đòi hỏi hợp lý và có cơ sở. Nếu bạn đã dành thời gian nghiên cứu thông tin thích đáng và dữ liệu xác thực để đưa ra yêu cầu, bạn sẽ thể hiện sự sẵn sàng và hiểu biết khi bước vào công việc mới. Thẳng thắn nói ra những mong đợi chính đáng, bạn cho thấy sự chính trực. Và việc tự tin đề nghị mức lương cao hơn lại chứng minh là bạn rất chắc chắn về năng lực làm việc của bản thân. Tất cả những điều này sẽ phản ánh một hình ảnh tốt đẹp về bạn với nhà tuyển dụng.
Lợi ích thêm từ nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng có xu hướng chi lương cho nhân viên càng tiết kiệm càng tốt. Vì lý do này mà họ thường đưa ra mức đề nghị thấp hơn một chút so với ngân sách dự kiến chi trả cho vị trí cần tuyển dụng. Cho nên, nếu bạn chấp nhận đề nghị một cách mù quáng, không cố gắng yêu cầu tăng thêm thì bạn sẽ bị thiệt hại thực sự. Nỗ lực đàm phán là cách tốt để chống lại nguy cơ này.
Nếu là một người lao động trẻ, bạn nên đàm phán lương ban đầu và nếu đang muốn được tăng lương thì hãy mạnh dạn. Bạn có thể tìm đọc thêm về các nguyên tắc đàm phán lương cơ bản. Nhưng nếu muốn tự tin và gặt hái kết quả tốt hơn, cần luyện tập và thực hành thường xuyên để có nhiều trải nghiệm thực tế. Không nhất thiết phải thực hành trong những buổi phỏng vấn thực sự, bạn có thể luyện tập thông qua những mẫu đối thoại, giao tiếp và trò chuyện hàng ngày.
Trí thức trẻ