MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người Việt thích nhận hàng trả tiền hơn là thanh toán trực tuyến?

02-05-2019 - 16:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, với tổng giá trị giao dịch năm 2018 đạt 8 tỷ USD, nhưng chỉ 3-5% lượng giao dịch là thanh toán không tiền mặt với tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền.

Tại Phiên hiến kế về phát triển Kinh tế số, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sáng ngày 2/5, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. 

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD, tuy nhiên chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. 

Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD). 

Theo bà Huyền, mấu chốt để thay đổi điều này là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Chính phủ cần đưa ra những hành lang pháp lý, những thể chế để thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt. 

Trong khi đó, nói về những rào cản phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đào Minh Tuấn, Phó TGĐ Vietcombank nhấn mạnh, thói quen của người tiêu dùng đang là rào cản lớn nhất. Hiện 60% dân số Việt Nam đủ độ tuổi mở thẻ, nhưng 80% trong số này vẫn dùng tiền mặt. Mua hàng trực tuyến đã thay đổi thói quen, song giao hàng COD (nhận hàng và trả tiền trực tiếp) vẫn là chủ yếu.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn ngại chấp nhận phương thức thanh toán mới; các chính sách khuyến khích đối với các thành phần tham gia cũng chưa nhiều. Có thể xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thanh toán không dùng tiền mặt như ưu đãi thuế. Việc ưu đãi thuế cũng là nhằm có thể thu thuế nhiều hơn vì khi đó doanh nghiệp sẽ minh bạch về tài chính. 

Vấn đề phát triển hạ tầng cũng còn bất cập khi việc chia sẻ dữ liệu có rào cản nhất định vì dữ liệu ngân hàng đòi hỏi pháp lý cao. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng một vấn đề đang tồn tại trong thương mại điện tử là lòng tin của khách hàng, dẫn đến việc họ ưa chuộng giao hàng COD. "Những nền tảng thương mại điện tử bán hàng không đúng quảng cáo, không đúng mẫu mã yêu cầu khiến khách hàng không thực hiện thanh toán trước", ông Dũng nói. 

Ông cũng chia sẻ ước mơ là đưa mọi dịch vụ ngân hàng lên nền tảng mobile. Những dịch vụ ngân hàng, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán, chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn. Tức là mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này. 

"Khẩu hiệu 3-1-0 cực kỳ đơn giản, dễ nhớ, nhưng làm được hay không lại là điều không dễ", ông Dũng nhận xét.

Bởi, dù áp dụng công nghệ, có ứng dụng thanh toán tiện lợi hơn rất nhiều nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt. Hành lang pháp lý cũng đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm,...

Về vấn đề sử dụng dữ liệu, muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông... cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với những Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan. 

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên