Vì sao nguyên Phó phòng Cảnh sát kinh tế An Giang bị bắt?
Ngày 26/10, theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Tấn Tài (57 tuổi, nguyên là Phó Trưởng phòng CSÐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh An Giang để điều tra theo quy định của pháp luật.
- 26-10-2022Cựu Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang bị bắt vì liên quan bà trùm Mười Tường
- 24-10-2022Hé lộ nguyên nhân khiến Phó tổng giám đốc Công ty Nhà Đà Nẵng bị bắt
- 24-10-2022Vì sao Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng bị bắt?
Việc khởi tố ông Tài được xác định là để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh An Giang liên quan đến quá trình điều tra vụ án “Buôn lậu” do bà Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu.
Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 12/2018, C03 Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây “Buôn lậu” do bà Mười Tường cầm đầu. Sau khi bắt một số hàng buôn lậu thì C03 Bộ Công an chuyển vụ án về PC03 Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền.
Tại Công an tỉnh An Giang, ông Lê Tấn Tài, được phân công chỉ huy hoạt động điều tra vụ án, song vì có quan hệ anh em họ hàng với bà Mười Tường, nên ông Tài đã chỉ đạo thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định, tạo điều kiện để các đối tượng thông cung, thống nhất khai báo gian dối... dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội và bỏ lọt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Tài có yếu tố vụ lợi, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Liên quan đến bà Mười Tường, được biết đến nay, bà trùm “buôn lậu” này đã bị khởi tố 5 tội danh. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố một số tội danh liên quan đến hành vi “Buôn lậu đường cát” năm 2018; “Buôn lậu 51kg vàng” năm 2020; “Vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới” năm 2019 và “Vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới” năm 2020. Còn Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang còn khởi tố thêm bà Mười Tường về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Hồi cuối tháng 2/2022, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Mười Tường 8 năm tù, các đồng phạm mỗi người 4 năm tù cùng về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Bản án sơ thẩm xác định, khoảng 9h20 ngày 24/6/2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri (tổ 6, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc) phát hiện và yêu cầu kiểm tra 4 người đi trên vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Thấy lực lượng chức năng, 4 người nói trên bỏ chạy về phía Campuchia; đồng thời, ném một túi nilon lại, bên trong có 470.000 USD (tương đương gần 11 tỷ đồng). Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý hành chính và tạm giữ toàn bộ số ngoại tệ trên.
Đến ngày 6 và 9/7/2021, bị cáo Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh ra đầu thú. Bị cáo Nguyễn Văn Lê và Nguyễn Văn Minh là những người bị bắt trong vụ án buôn lậu 51kg vàng và khai trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.
Qua điều tra, 4 bị cáo Sang, Linh, Lê, Minh khai ngày 24/6/2019, bà Mười Tường chỉ đạo các bị cáo qua Campuchia gặp đối tượng tên Cốp, Tuot (người Campuchia) nhận USD vận chuyển về Việt Nam.
Đến tháng 8/2022, TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm đã hoãn phiên tòa để điều tra, làm rõ một số nội dung mới từ lời khai của đồng phạm bị cáo Mười Tường.
Các vụ án khác liên quan bà Mười Tường vẫn đang được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Tiền Phong