MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhiều địa phương giải ngân vốn ODA chưa đạt 1%?

9 tháng qua, tổng vốn giải ngân từ nguồn ngân sách Trung ương mới đạt 11,5% dự toán, vốn cho địa phương vay lại là 7,8% dự toán. Đáng chú ý, đến nay, vẫn có một số địa phương chưa có tỉ lệ giải ngân; một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân thấp, chưa đến 1%.

Tốc độ giải ngân rất chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài (ODA), vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 9 tháng của năm, tổng vốn giải ngân từ nguồn ngân sách Trung ương mới đạt 11,5% dự toán, vốn cho địa phương vay lại là 7,8% dự toán.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đánh giá, tốc độ giải ngân trên là rất chậm và là mức giải ngân rất thấp so với cùng kỳ (năm 2020, giải ngân vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương đạt 29% dự toán, vốn vay lại đạt 32,9% dự toán).

Đáng chú ý, đến nay, vẫn có một số địa phương chưa có tỉ lệ giải ngân, như Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum, Đồng Nai, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân thấp chưa đến 1%, như: Sơn La, Quảng Ninh, Phú Yên…

Về nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm, ông Hải cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến các dự án sử dụng vốn nước ngoài rất nặng nề, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát cũng như việc thời gian nhận được ý kiến “không phản đối” của các nhà tài trợ bị kéo dài. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân chủ quan khác, như: việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.

“Theo quy định hiện nay, chỉ khi hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì mới có thể điều chỉnh hiệp định vay (nếu có). Điều này dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nói.

Ngoài ra, nguyên nhân khác thuộc về công tác giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, trong đó phải kể đến việc địa phương giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký. Thậm chí, một số địa phương còn chậm hoặc chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn.

Điều chỉnh kế hoạch vốn gắn chặt với nhu cầu đăng ký thực tế của địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, tiến độ thực hiện năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo, tác động không nhỏ đến thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương đạt chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

“Vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà lo ngại.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phải hết sức lưu ý triển khai nhanh các thủ tục này, đồng thời, rà soát lại khả năng giải ngân thực hiện, trên cơ sở đó, sớm có văn bản chính thức đề xuất giảm kế hoạch vốn gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Trong từng tỉnh, thành phố, dự án nào có khả năng giải ngân được thì địa phương chủ động phân bổ, đồng thời tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ để tổ chức thực hiện dự án. Nếu gặp ách tắc trong vấn đề về kiểm soát chi hoặc xử lý đơn rút vốn, đề nghị có văn bản gửi về Bộ Tài chính để có biện pháp giải quyết khẩn trương”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nêu rõ.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại, trong đó có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỉ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách địa phương.

“Bộ Tài chính cam kết kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ”, ông Hoàng Hải khẳng định.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án.

“Bộ KH&ĐT cần có điều chỉnh mạnh mẽ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao và điều chỉnh kế hoạch vốn theo hướng gắn chặt với nhu cầu đăng ký thực tế của địa phương cũng như gắn kế hoạch vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương với dự toán cho vay lại từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các địa phương để đảm bảo giải ngân theo tỷ lệ, đúng quy định của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP”, ông Hải kiến nghị.

Về phía các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị nếu chưa có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021, cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính với các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án./.

Theo Cấm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên