Vì sao nhiều doanh nghiệp từng vét hết tiền để chia cổ tức ‘khủng’ lên tới 100-200%?
Việc "vét" hết tiền để chia cổ tức là động thái thường thấy khi doanh nghiệp chuẩn bị tiến hành các thương vụ bán cổ phần lớn.
- 25-08-2024Phát Đạt tạm dừng trả cổ tức, ưu tiên phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ
- 24-08-2024Một ‘đại gia’ trên sàn sắp chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 250%
- 16-08-2024Doanh nghiệp chuyên cung cấp phụ tùng ô tô, xe máy cho Honda, Yamaha sắp chốt danh sách trả cổ tức
Mới đây, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã: MCH) đã xin ý kiến cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bổ sung đã được đề cập tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 hồi tháng 4.
Cụ thể, cổ tức bằng tiền cho năm 2023 với tỷ lệ 100% (tương đương 10.000 đồng/cổ phiếu) được thông qua tại ĐHCĐ năm 2024 và đã được Masan Consumer đã trả hơn 7.100 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 7/2023 - tháng 7/2024.
Bên cạnh món cổ tức đó, mức chia cổ tức bổ sung bằng tiền được đề xuất cho năm tài chính 2023 là 16.800 đồng/cổ phiếu (tương đương tỷ lệ cổ tức là 168%). Nếu được thông qua, Masan Consumer tiếp tục chi hơn 12.000 tỷ đồng để trả cổ tức bổ sung .
Như vậy, Masan Consumer sẽ lấy gần như toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối của năm tài chính 2023 (sau khi đã trừ đi khoản cổ tức 10.000 đồng/cổ phiếu đã đề cập ở trên) để trả cổ tức bổ sung này.
Việc "vét" hết tiền để chia cổ tức là động thái thường thấy khi doanh nghiệp chuẩn bị tiến hành các thương vụ bán cổ phần lớn.
Đại hội đồng cổ đông 2024 của Masan Consumer đã thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu MCH đang lưu hành lên sàn HOSE. Hiện tại, MCH đang giao dịch trên sàn UPCoM. Tài liệu ngày 30/5/2024 của Masan Group tiết lộ việc chuyển sàn lên HOSE của MCH dự kiến thực hiện vào quý 2/2025.
Trong quá khứ, cũng từng có nhiều doanh nghiệp chia cổ tức khủng sau những thương vụ lớn như vậy.
Doanh nghiệp đầu tiên trả cổ tức 3 con số là CTCP Tập đoàn Kinh Đô (mã: KDC) trong tháng 8/2015, đã thực hiện trả cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 200% bằng tiền mặt. Việc này diễn ra sau khi tập đoàn này hoàn tất chuyển nhượng 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương cho phía Mondelez. Số tiền thu về từ giao dịch này ước khoảng 7.800 tỷ đồng.
Sau này, các doanh nghiệp thuộc họ Kido đều gây ấn tượng bằng việc chia cổ tức lớn, khi nhóm Kido thường xuyên thực hiện các thương vụ về sáp nhập.
Tháng 12/2020, CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (Kido Foods – mã chứng khoán KDF) đã thực hiện chi trả cổ tức đặc biệt trước khi sáp nhập vào Tập đoàn Kido, bằng tiền mặt tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 3.000 đồng.
Đồng thời hoán đổi toàn bộ 56 triệu cổ phần KDF thành cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido để sáp nhập. Tỷ lệ hoán đổi của cổ phiếu KDC với KDF là 1:1,3, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Kido Foods sẽ được đổi lấy 1,3 cổ phiếu của Tập đoàn Kido.
Như vậy, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Kido Foods sẽ được nhận cổ tức đặc biệt là 3.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời đổi lấy 1,3 cổ phiếu của Tập đoàn Kido.
Tháng 9/2020, CTCP Dầu Thực vật Tường An (TAC) cũng thực hiện chia cổ tức đặc biệt với tỷ lệ chi trả lên đến 75% bằng tiền mặt. Được biết, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TAC cũng đã thông qua kế hoạch sáp nhập với Kido Group (KDC).
Ngoài ra, đầu năm 2023, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, mã VOC) đã thông báo về việc chi trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ thực hiện lên tới 100%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 10.000 đồng.
Với gần 122 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vocarimex dự kiến chi khoảng 1.218 tỷ đồng để trả cổ tức cho đợt này. Ngày giao dịch đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là ngày 17/3, tương đương ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/3. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 12/4.
Vào ngày 5/1/2023, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vocarimex cũng đã thông qua những nội dung quan trọng trong việc tái cấu trúc đầu tư tài chính của công ty. Vocarimex đã quyết định chuyển nhượng 24% cổ phần tại Calofic cho Công ty Siteki Investment PTE Ltd (Siteki). Hai bên thỏa thuận giá trị chuyển nhượng hơn 2.100 tỷ đồng. Theo đại diện Vocarimex, nếu việc thoái vốn tại Calofic thành công và có thặng dư, công ty sẽ trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông là 100% bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, sau đó, HĐQT Vocarimex đã thông qua việc tạm hoãn thực hiện chi trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ lên tới 100% đã được thông qua tại Nghị quyết ngày 27/2. Lý do tạm hoãn được Vocarimex đưa ra là “do chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan”. Đến tháng 10/2023, Vocarimex đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%.
CTCP Gemadept (Mã: GMD) tháng 3/2018 đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 80%. Tỷ lệ cổ tức này bao gồm 15% cổ tức năm 2016 và chi trả thêm 65% cổ tức đặc biệt. Cổ tức đặc biệt dành cho cổ đông là "món quà" khi công ty bán cổ phần của 2 công ty con – Công ty TNHH Gemadept Shippig Holding và Công ty TNHH Gemadept Logistic Holding cho đối tác CJ.
Tháng 7/2017, CTCP truyền thông VMG (Mã CK: ABC) thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 195%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 19.500 đồng tiền mặt. Việc này diễn ra sau thương vụ thoái vốn của VMG tại VNPT Epay đã được hoàn tất. Đối tác nhận chuyển nhượng là nhóm cổ đông Hàn Quốc UTC Investment và Global Payment Service (một thành viên thuộc nhóm UTC Investment).
An ninh Tiền tệ