MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nợ xấu của FE Credit tăng trở lại trong quý cuối năm 2019?

21-02-2020 - 10:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi nợ xấu ngân hàng mẹ giảm thì tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã quay trở lại bằng với mức cuối năm 2018 (6%), sau khi đã cải thiện đáng kể trong 3 quý đầu năm. VDSC cho rằng, nguyên nhân một phần bởi tín dụng tăng trưởng chậm trong quý 4 khi chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định về kết quả kinh doanh ngân hàng VPBank.

Theo VDSC, việc FE Credit vừa được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc việc chuyển đổi sang công ty cổ phần là một bước tiến gần hơn tới kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng/phát hành riêng lẻ, có thể sẽ hoàn thành trong năm nay. Yếu tố này có thể đóng vai trò là động lực tăng giá cổ phiếu VPB trong thời gian tới.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VPB cũng đã tăng giá tới 40% lên mức 28.050 đồng/cổ phiếu (tương đương PB dự phóng 2020 ở mức 1,2 lần).

Đánh giá kết quả kinh doanh của VPBank trong năm 2019, phân tích của VDSC cho thấy NIM của ngân hàng đã được mở rộng đáng kể, trong khi nguồn thu từ hoạt động dịch vụ bền vững và ổn định. Công ty con FE Credit đang tái cơ cấu danh mục cho vay và sẽ không bị tác động nhiều bởi Thông tư 18 (yêu cầu đưa tỷ trọng giải ngân tiền mặt xuống còn 30% vào năm 2024).

FE Credit tái cơ cấu danh mục cho vay

Danh mục cho vay của FE Credit vào cuối năm 2019 bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 11% cho vay thẻ tín dụng, 8% cho vay mua xe máy và 5% cho vay mua hàng điện tử điện máy. Trong đó, tỷ lệ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt (cho các khách hàng vay trên 20 triệu đồng - theo quy định tại Thông tư 18) là khoảng 59%, thấp hơn ngưỡng cho phép hiện tại là 70%.

Để thích ứng với Thông tư 18, công ty đã đặt ra kế hoạch rõ ràng về việc tập trung vào việc chuyển đổi từ khoản vay tiền mặt sang thẻ tín dụng để giảm tỷ lệ này xuống 21% vào năm 2024. FE Credit đã phát hành 946 nghìn thẻ mới vào năm 2019, nâng tổng số thẻ đã phát hành lên 2,2 triệu thẻ.

Hiện tại FE Credit cũng là công ty dẫn đầu trong số các công ty tài chính tiêu dùng về thẻ tín dụng với 95% thị phần, so với Home Credit (2%) và JACCS (2%).

Theo đó, việc ban hành Thông tư 18 dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều đến FE Credit. VDSC cho rằng công ty sẽ duy trì tăng trưởng danh mục cho vay ở mức 14-15%/năm và đóng góp hơn 50% vào thu nhập ròng hợp nhất trong bốn năm tới.

Tín dụng ngân hàng mẹ tăng trưởng cao, NIM mở rộng đáng kể

Ngân hàng mẹ của VPB là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2019, ở mức 19% so với đầu năm, chỉ thấp hơn TPBank và VIB. FE Credit cũng đã dùng hết toàn bộ hạn mức tín dụng do NHNN giao là 13,8%. Tín dụng hợp nhất tăng trưởng 17,6%.

Theo chiến lược “Tăng trưởng có chất lượng” đặt ra trong năm 2019, cơ cấu cho vay của VPBank có vẻ đã trở nên thận trọng hơn khi tỷ lệ cho vay ngắn hạn tăng từ 33% (2018) lên 35% và cho vay không có tài sản bảo đảm giảm từ 35% xuống 34%.

Tại ngân hàng mẹ, tỷ lệ cho vay bán lẻ & Commcredit đã giảm từ 42% xuống còn 41%. Mặc dù vậy, NIM mở rộng đáng kể ở cả ngân hàng mẹ từ 4,6 lên 4,7% (theo ước tính của VDSC) và FE Credit từ 28,4 đến 31,3% (số liệu do FE Credit cung cấp). Nhìn chung, NIM hợp nhất tăng mạnh từ 9,0% lên 9,4%, giúp cho thu nhập lãi tăng trưởng 23,4%.

Tại thời điểm cuối năm 2019, VPBank đang có hệ số CAR Basel 2 ở mức 11,1%, hệ số vốn Cấp 1 ở mức 10,7%, đồng nghĩa với việc ngân hàng không bị lệ thuộc vào việc phát hành trái phiếu dài hạn. Ở ngân hàng mẹ, LDR theo quy định ở mức 72,4% (so với ngưỡng mới là 85%) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn ở mức 27,9% (so với ngưỡng 40%). Điều này cho thấy ngân hàng đang duy trì bộ đệm vốn mạnh và thanh khoản dồi dào, do đó, có thể duy trì tăng trưởng tín dụng cao cũng như tiếp tục cải thiện NIM trong những năm tới.

Ngân hàng cũng tuyên bố đã hoàn thành ICAAP (trụ cột cuối cùng của Basel 2), và NHNN đã hoàn tất việc kiểm tra tuân thủ tại VPBank. 

Chất lượng tài sản hợp nhất cải thiện, riêng FE Credit nợ xấu tăng trở lại quý cuối năm 

Chất lượng tài sản hợp nhất có cải thiện một chút với với tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 3,4% (từ mức 3,5% của năm 2018), nợ VAMC được tất toán hết và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 46,4%.

Riêng về FE Credit, tỷ lệ nợ xấu đã quay trở lại bằng với mức cuối năm 2018 (60%) sau khi cải thiện đáng kể trong 3 quý đầu năm, điều này được giải thích một phần bởi việc tín dụng tăng trưởng chậm trong quý 4 do chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Tổng chi phí dự phòng hợp nhất năm 2019 tăng 21,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 40,6% của năm 2018, chủ yếu nhờ chi phí dự phòng của FE Credit giảm tốc đáng kể (chỉ tăng 15% so với 44% năm 2018). Do không còn phải trích lập nợ VAMC, cũng như chất lượng tài sản hiện tại đang ổn định tại cả ngân hàng mẹ và FE Credit, VDSC kỳ vọng rằng gánh nặng dự phòng sẽ giảm bớt vào năm 2020.

Năm 2020, VPB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đạt 25-30%, cao hơn một chút so với mức tăng trưởng hoạt động lõi năm 2019 (24%) do không còn phải trích lập VAMC.

Kế hoạch này dựa trên các động lực sau (1) Tăng cường các sản phẩm cho vay chiến lược - bán lẻ, Commcredit, SME, (2) cải thiện CASA và đẩy mạnh Ngân hàng giao dịch, (3) đa dạng hóa nguồn thu phí dịch vụ và (4) tăng cường quan hệ với các đối tác.

Với sự đầu tư lớn vào công nghệ của VPBank thì việc cải thiện hiệu quả từ tối ưu hóa hoạt động và kiểm soát chi phí dự kiến sẽ hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng này.

Diệp Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên