MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nói bầu cử Pháp có ý nghĩa sống còn đối với châu Âu?

23-04-2017 - 11:49 AM | Tài chính quốc tế

Hôm nay (23/4), khi các cử tri Pháp đi đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện vòng bầu cử đầu tiên trong số 2 vòng của cuộc bầu cử Tổng thống, đây chính là cuộc đua “tứ mã” gay cấn nhất trong lịch sử nước này thời kỳ hiện đại.

Tổng cộng có 11 ứng viên đang ganh đua để giành lấy 2 vị trí trong vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức ngày 7/5 tới. Dù 11 không phải là con số cao kỷ lục, trong hầu hết các cuộc bầu cử Tổng thống gần đây, thường thì đó chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai ứng viên đến từ 2 đảng chính trị chính là đảng Xã hội và đảng Cộng hòa. Còn lần này, các kết quả thăm dò cho thấy không có ai trong số 4 ứng viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất chắc chắn sẽ lọt vào vòng 2. Ngoài ra, có 2 người đến từ những phong trào hoài nghi châu Âu và đặc biệt ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ. Đó là bà Marine Le Pen (một người thuộc đảng cực hữu) và ông Jean-Luc Melenchon (đảng cực tả).

Kết quả thăm dò rất xít xao, các cử tri lưỡng lự một cách bất thường trong khi đây là một cuộc bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, có thể hoặc hồi sinh châu Âu hoặc sẽ phá hủy châu Âu bằng cách làm những vết nứt trong lòng “lục địa già” thêm trầm trọng. Căng thẳng càng được đẩy lên cao sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thừa nhận đã tấn công khủng bố khiến 1 cảnh sát thiệt mạng tối 20/4 vừa qua, dẫn đến một số sự kiện vận động tranh cử phải hủy bỏ.

Trong quá khứ, Pháp cũng từng có một số vụ bầu cử đầy kịch tính. Năm 1995, 2 tháng trước bầu cử, ứng viên Edouard Balladur vẫn dẫn trước Jacqué Chirac, nhưng cuối cùng ông Chirac mới là người lọt vào cuộc đua cuối cùng và trở thành Tổng thống. Cú sốc lớn hơn đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2002, khi người cha Jean-Marie Le Pen của bà Marine Le Pen – người sáng lập đảng Mặt trận dân tộc (FN) bất ngờ lọt vào vòng cuối cùng. Dù ông thua cuộc nhưng vẫn khiến cả nước Pháp sửng sốt.

Điểm khác biệt của cuộc bầu cử năm nay là khoảng cách giữa 4 người đứng đầu chỉ là 4-5 điểm. Ứng viên độc lập Emmanuel Macron, bà Le Pen, nhân vật bảo thủ của đảng Cộng hòa Francois Fillon và ông Melenchon đang bám đuổi nhau sát nút.

Điều này khiến kết quả rất khó đoán bởi 2 lý do. Thứ nhất là tỷ lệ đi bầu (turn-out) – yếu tố đã gây nên bất ngờ trong 2 sự kiện chính trị chấn động năm ngoái là ông Trump chiến thắng và Brexit. Lịch sử cho thấy tỷ lệ turn-out trong bầu cử Pháp khá cao, vào khoảng 80%. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy lần này con số giảm xuống còn 70%, nhiều khả năng sẽ có nhiều người ở vùng ngoại ô không đi bỏ phiếu. Nếu như vậy, các ứng viên có lượng lớn cử tri trung thành và quyết đoán sẽ có lợi nhiều nhất, đặc biệt là bà Le Pen (84% cử tri ủng hộ chắc chắn về quyết định của họ) và ông Fillon (81%).

Yếu tố thứ hai là những cử tri đến giờ này vẫn chưa quyết định. Khoảng 28% nói rằng họ có thể thay đổi sự lựa chọn. Những quyết định được đưa ra vào phút cuối không phải là điều lạ, nhưng các kết quả thăm dò cho thấy lần này một số người chủ động làm vậy, vì những lý do chiến thuật. Ông Melenchon và ông Macron sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, với lần lượt 70% và 74% cử tri ủng hộ không chắc chắn.

Vậy thì có thể dự đoán như thế nào về ngày Chủ nhật sắp tới? Nhiều khả năng bà Le Pen sẽ lọt vào vòng trong, mặc dù cơ hội bà tiếp tục chiến thắng sẽ không cao vì không có kết quả thăm dò nào cho thấy bà có thể đánh bại 3 người còn lại. Bà Le Pen và ông Melenchon, 2 người có tư tưởng cực đoan sẽ đối đầu trong vòng cuối cũng là 1 kịch bản có thể xảy ra dù với xác suất không cao. Những ngày gần đây thị trường tài chính đã thể hiện sự lo ngại về kịch bản này bởi châu Âu sẽ bị xáo trộn.

Hiện nay, dự đoán “ít đáng sợ” nhất là kết quả các cuộc thăm dò sát ngày bầu cử là chính xác, và ông Macron, ứng viên 39 tuổi từng là một lãnh đạo ngân hàng đầu tư, sẽ lọt vào vòng cuối cùng, trở thành 1 ứng viên được yêu thích cho vị trí Tổng thống.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên