MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ở chung cư 'lắm đơn, nhiều kiện'?

08-07-2020 - 09:00 AM | Bất động sản

Sống ở căn hộ chung cư vốn là mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoặc thiếu đơn vị quản lý tốt, hoặc chủ đầu tư yếu năng lực trong khi đất chật người đông, nên đời sống cư dân ở nhiều khu đô thị xảy ra lắm vấn đề. Đây cũng là nguồn cơn khiến người mua sau khi ở một thời gian đã thất vọng, thậm chí rơi vào cảnh khiếu kiện tùm lum.

BÀI 1: Ngang nhiên biến chung thành riêng

Các khu chung cư vốn đã ít không gian công cộng, nay lại bị chính chủ đầu tư và người dân xung quanh lấn chiếm. Thậm chí, cả nghìn căn hộ không có phòng sinh hoạt cộng đồng, chung cư xuống cấp, nhếch nhác.

10 năm nay, cư dân chung cư CT2 Mễ Trì Thượng do Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68) làm chủ đầu tư liên tục phản đối việc công ty này biến diện tích chung ở tầng 1 của cư dân thành văn phòng làm việc của công ty.

Anh Nguyễn Tuấn Khanh, đại diện cư dân CT 2T cho biết: “Theo quy hoạch được phê duyệt, tầng 1 của tòa nhà CT2 dành cho mục đích công cộng như sử dụng làm chỗ để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và phòng bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ diện tích tầng 1 của tòa nhà được sử dụng làm trụ sở văn phòng công ty dù năm 2005 khi ký hợp đồng bán nhà cho các hộ dân, Cty 68 Handico đã đính kèm sơ đồ tầng 1 được sử dụng làm nhà để xe và các ki ốt bán hàng phục vụ cư dân và khu vực".

Trong văn bản gửi đến cư dân, Handico 68 giải thích, toàn bộ diện tích này đã được UBND Thành phố định giá bán cho công ty trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quyết định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân CT2 , hợp đồng bán nhà đã được ký từ năm 2005, trước 2 năm so với thời điểm cổ phần hóa Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2007). “Vậy tại sao khi tiến hành cổ phần hóa, lại định giá cả phần tài sản đã bán cho người dân? Và, việc điều chỉnh quy hoạch tầng 1 nhà CT2 từ nhà để xe thành trụ sở văn phòng công ty như hiện nay là do ai quyết định. Công ty hay UBND thành phố?”, anh Khanh nói.

Cư dân tại đây nhiều lần gửi đơn kiến nghị đi nhiều cơ quan chức năng song không bao giờ nhận được hồi đáp từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cư dân chỉ còn cách căng băng rôn trước ban công để đòi lại tầng 1.

Theo ghi nhận của PV, tại tầng 1 của tòa nhà CT2 này, chủ đầu tư trưng tới 2 biển tên công ty ở các mặt tiền khác nhau, trong đó có Cty Handico 68. Phần đất vốn là sân chơi chung cho các hộ dân tòa nhà có chiều rộng hơn 8m2 nhưng hiện đang được chủ đầu tư sử dụng làm bãi gửi xe, khiến lối đi chung của người dân bị co lại chỉ còn khoảng 2m2.

Còn tại chung cư nhà B phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hiện có 3/4 số phòng để xe của cư dân đã bị chủ đầu tư bán hoặc cho người khác thuê để bán cà phê, cắt tóc. Lối thoát hiểm của tòa nhà biến thành nơi kinh doanh, nhà ở... Ông Nguyễn Văn Cầm, Trưởng ban Quản trị tòa nhà cho biết: "Ban Quản trị đã nhiều năm đấu tranh đòi lại quyền lợi cho các cư dân nhưng đến nay vẫn bị bỏ ngỏ".

Thiếu phòng sinh hoạt chung: nhếch nhác

Theo phản ánh của cư dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng loạt chung cư cao tầng đua nhau "mọc" lên tại đây, trong đó có cả những tòa cao 34 tầng với cả nghìn căn hộ từng được xem tòa nhà cao nhất Thủ đô nhưng không có phòng họp cho cư dân. Trong khi đó, nhiều khu đất thực hiện dự án công cộng, hạ tầng đô thị lại bỏ hoang không triển khai, hoặc đang được điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục đích sử dụng.

Về việc này, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính khu vực thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, có 6 tòa chung cư 17T1, 17T2, 17T3, 24T1, 24T2 và 34T gồm 984 căn hộ với tổng số khoảng hơn 4.000 người hiện chưa bố trí đủ sinh hoạt cộng đồng. Lý do, thời điểm thực hiện dự án, các quy định pháp luật chưa quy định về nhà sinh hoạt cộng đồng.

Không chỉ thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng, nhiều tòa chung cư tại đây phản ánh, do thiếu chỗ để xe, hầu hết ô tô phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường. Thậm chí, nhiều vỉa hè, sân chơi các tòa chung cư đều bị chiếm dụng để làm bãi đậu xe. Phía bên dưới các tòa nhà, nhiều hàng quán, chợ cóc chiếm dụng lòng đường khiến giao thông đi lại của người dân rất khó khăn.

Còn tại khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), các diện tích sân chung xung quanh các tòa nhà A10, B11B, B3D, B6A, B10A… đều bị hàng quán chiếm dụng. Từ hàng chè, hàng nước, hàng phở, hàng cháo, quán ốc, nem chua… đến phản thịt, gánh rau… tất tật đều giăng ra ngay trong diện tích sân chung, thậm chí cả trên vỉa hè. Cảnh ồn ào, lộn xộn, mất vệ sinh công cộng khiến cuộc sống của hàng nghìn cư dân bị đảo lộn.

Cách đó không xa, hai tòa nhà tái định cư lô A14 tại khu Nam Trung Yên nằm trên đường Nguyễn Chánh dù mới được hoàn thiện và lác đác cư dân chuyển đến sinh sống nhưng toàn bộ phần sân chung phía giáp mặt đường đã bị nhiều hàng quán bủa vây…

Tương tự, tình cảnh của cư dân khu nhà ở xã hội Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không khả quan hơn. Toàn bộ diện tích chung xung quanh các tòa nhà Mường Thanh CT12A, CT12B, CT12C tại dự án Kim Văn - Kim Lũ đã bị chiếm dụng bởi hàng trăm hàng quán, gánh hàng rong… khiến khu vực sân chung của cư dân bị bịt kín, thường xuyên trong cảnh ồn ào, lộn xộn.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, để giải quyết thực trạng này, bắt đầu từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Đoàn sẽ kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì. Trong quý III và quý IV sẽ kiểm tra tại các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.

Đợt kiểm tra này sẽ làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân trách nhiệm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, tồn tại hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư. Theo ông Dũng, với những chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, Sở sẽ cho công khai danh sách trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, tình trạng quản lý chung cư hiện nay gặp vấn đề là do một thời gian dài buông lỏng quản lý. Nhiều hộ dân lợi dụng điều này để lấn chiếm vỉa hè, không gian chung để kinh doanh...

(Còn nữa)

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên