Vì sao ông Tập Cận Bình tổ chức G20 tại Hàng Châu dù khó đảm bảo an ninh?
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố 9 triệu dân Hàng Châu, nơi được đánh giá là khó cho công tác đảm bảo an ninh.
- 13-04-2016NDN, IVS, QNC, G20, DL1: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 29-02-2016Thất vọng với G20, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh
- 28-02-2016G20 kết thúc trong bất đồng
- 27-02-2016G20 nhắc nhở Trung Quốc không phá giá nội tệ
- 28-01-2016HPG, CII, PAN, KLF, G20, QHD: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 07-12-2015Tận dụng G20, Trung Quốc muốn hạ bệ đồng USD
Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới (G20) diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc trong 2 ngày 4 và 5/9. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo từ 20 nước bàn về các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư, tránh chủ nghĩa bảo hộ cũng như đóng góp tích cực hơn về môi trường hay tìm giải pháp cho các điểm nóng trên thế giới. Bên cạnh nội dung của chương trình nghị sự, lý do Trung Quốc tổ chức G20 tại Hàng Châu cũng khiến nhiều người chú ý.
Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, các sự kiện quốc tế lớn thường được tổ chức trên các đảo xa hay những khu nghỉ dưỡng ven biển, nơi dân cư thưa thớt. Những địa điểm ít người giúp công tác đảm bảo an ninh của nước chủ nhà được tiến hành dễ dàng hơn.
Hàng Châu là niềm tự hào của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, G20 năm nay được tổ chức tại một địa điểm hoàn toàn trái ngược. Hàng Châu là thành phố nằm trong nội địa của Trung Quốc với dân số 9 triệu người, cách Thượng Hải 160 km về phía tây. Ngay cả cư dân thành phố và những người chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị cũng lên tiếng than phiền về quyết định này.
Để đảm bảo an toàn cho hội nghị, Trung Quốc đã huy động 500.000 nhân viên an ninh tới thành phố nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh nên thơ của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự góp mặt của các phái đoàn nguyên thủ không giúp Hàng Châu quảng bá du lịch mà ngược lại, gây nhiều cản trở tới các hoạt động thăm viếng trong thời gian diễn ra hội nghị.
Dẫu vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Hàng Châu vì thành phố là niềm vui và niềm tự hào của ông. Trước khi đảm trách cương vị Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập từng có thời gian làm Chủ tịch và Bí thư tỉnh Chiết Giang, nơi Hàng Châu là đơn vị hành chính trực thuộc. Trong cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế hôm 3/9, ông Tập tự hào kể: “Tôi sống ở Hàng Châu trong 6 năm và hiểu rất rõ vùng đất này cũng như con người và môi trường ở đây. Tôi tự hào khi là một phần của sự phát triển ở Hàng Châu”.
Việc tổ chức G20 ở Hàng Châu có ý nghĩa cả về đối nội và đối ngoại với ông Tập.
G20 năm nay diễn ra đúng một năm trước thềm Đại hội đảng Toàn quốc Trung Quốc. Về đối ngoại, việc tổ chức G20 ở Hàng Châu giúp Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu với thế giới về sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc. Về đối nội, ông Tập cũng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì lập trường cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Ngoài ra, Hàng Châu còn là trụ sở của Alibaba - gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như là quê hương của nhà sáng lập Jack Ma Yun. Trước khi khai mạc G20, Jack Ma đã mời Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm trụ sở chính của hãng, động thái nhằm thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc.
Trong tháng 7, Canada từng bày tỏ mong muốn tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trong khi Indonesia là thị trường xuất khẩu cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc, chẳng hạn như đường sắt cao tốc. Với những gì đang diễn ra, tỷ phú Jack Ma trở thành người hỗ trợ đắc lực cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong lĩnh vực hợp tác thương mại quốc tế dù không chính danh.