MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao OPEC+ vẫn tính chuyện kéo dài thời gian giảm sản lượng dù giá dầu tăng nhanh?

30-11-2020 - 08:54 AM | Thị trường

Vì sao OPEC+ vẫn tính chuyện kéo dài thời gian giảm sản lượng dù giá dầu tăng nhanh?

OPEC+ chuẩn bị bước vào kỳ họp trực tuyến bất thường diễn ra trong 2 ngày 30/11 và 1/12. Vấn đề lúc này không chỉ đơn giản là kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng hay không, mà là sự rệu rã của OPEC khi nhiều thành viên rời nhóm.

Giá dầu đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ thời điểm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng để chạm mức thấp nhất 21 năm vào "tháng 4 đen đủi", khi những chính sách phong tỏa chống Covid-19 trên khắp thế giới làm ngưng trệ hoạt động giao thông vận tải, khiến nhu cầu dầu mỏ sụt giảm. Tháng 4 đã trở thành tháng tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp dầu mỏ.

Tháng 4 đã lùi xa. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá dầu đã tăng gần 1/3, khi thông tin dồn dập về các vắc-xin chống Covid-19 mang lại hiệu quả cao làm dấy lên hy vọng rằng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh chóng.

Giá mỗi thùng dầu Bent hiện khoảng 48 USD, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khoảng 45 USD. Với đà này, giá dầu ở cuối năm 2020 là 50 USD/thùng là hoàn toàn khả thi.

Dầu thô tăng giá hơn 8% vào ngày 9/11 khi Pfizer báo cáo thành công của vắc-xin với hiệu quả lên đến 90%. Giá dầu cũng tăng 3% trong ngày 16/11 khi Moderna báo cáo thành công trong các cuộc thử nghiệm vắc-xin của mình, và tiếp tục tăng hơn 1% vào ngày 23/11 khi AstraZeneca công bố thông tin tương tự.

Giá dầu tăng bất chấp những diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19,  khi số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Giá cũng tăng bất chấp sản lượng của Libya đang tăng từng ngày sau khi kết thúc phong tỏa.

Nhưng chiến thắng này đối với OPEC không phải là không có sự trả giá, khi trong nội bộ nhóm có không ít thành viên mong muốn OPEC+ từ bỏ việc kiềm chế xuất khẩu dầu – động thái nhằm hạn chế tình trạng dư cung, từ đó đẩy giá tăng lên.

Đây là vấn đề mà các Bộ trưởng Dầu mỏ của nhóm phải bàn bạc để có câu trả lời trong 2 n gày tới, để quyết định xem có thể nới lỏng đến mức nào mức giảm sản lương dầu trong năm tới.

Đầu năm nay, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu với mức cao kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương lấy đi 10% cung dầu trên toàn cầu. Quyết định này đã đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến giá cả gay gắt giữa Saudi Arabia và Nga.

Tuy nhiên, ở lần họp sắp diễn ra, những yếu tố thiếu chắc chắn đã gia tăng đáng kể, đáng chú ý là đã xuất hiện mối lo ngại mới về tương lai của tổ chức này.

Việc nguồn cung dầu từ OPEC+ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày có thể gây rủi ro cho sự hồi phục mong manh của thị trường này, nhưng việc duy trì cắt giảm sản lượng như hiện nay có nguy cơ làm tổn thương các nền kinh tế thành viên của OPEC- vốn phụ thuộc vào dầu mỏ để có nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.

Theo Goldman Sachs – ngân hàng Mỹ vốn rất có uy tín đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu, OPEC sẽ phải nghiên cứu rất kỹ về triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo Goldman, thị trường dầu mỏ đã chạm đáy và sẽ hồi phục trở lại vào năm 2021, sau "cú sốc mùa Đông" do những hạn chế  mới chống Covid-19.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra nghi ngờ việc thị trường dầu có thể hồi phục vào năm tới. Ông Russ Mold, giám đốc đầu tư của công ty môi giới trực tuyến AJ Bell, cảnh báo rằng hiện chưa thể đánh giá ảnh hưởng của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu sẽ là gây ra lạm phát cao, lạm phát thấp hay giảm phát.

Theo ông: "Thị trường chứng khoán có vẻ vẫn tin rằng lạm phát và tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm thêm một thời gian nữa, nhưng thị trường hàng hóa lại cho thấy điều khác". "Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm, và nếu giá hàng hóa nguyên liệu bắt đầu tăng thì điều đó có thể thúc đẩy lạm phát tăng theo".

Goldman cũng cảnh báo rằng cuộc họp kéo dài hai ngày của OPEC+có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng đã âm ỉ trong nhóm này suốt năm vừa qua. Một cuộc chiến giá cả mới có thể bùng nổ giữa 2 trong số những thành viên hàng đầu của nhóm, và quyền lực của tổ chức này có thể bị lung lay bởi Qatar quyết định rời nhóm. Một số thông tin cho thấy Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) có thể cũng sẽ có hành động tương tự.

Như vậy, ngoài những yếu tố không chắc chắn về quyết định của OPEC thì còn một yếu tố rủi ro nữa mang tính tiềm tàng hơn, đó là: Trong tương lai tổ chức này sẽ ra sao?

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên